Chân quê – một cõi đi về… (Báo Công An)

(CATP) Trong Gallery Bình Minh có bức tranh to và đẹp mang tên “Tĩnh hòa gia” do họa sĩ Nghiêm Xuân Hưng vẽ về gia đình nhà sưu tập Trương Văn Thuận.

Trong tranh có bức tượng đồng nhà sưu tập, họa phẩm của NSƯT Ánh Tuyết (vợ ông Thuận) và các đồ vật trong phòng, trong đó có các con giáp biểu tượng các thành viên trong gia đình. Họa sĩ ghi câu đối “Lối tình chông gai rồi sẽ thuận, nẻo đường giông gió ắt phải hưng”, để nói về cuộc đời của Thuận và Hưng, dù gặp phong ba, bão tố rồi cũng Thuận, cũng Hưng. Họa sĩ vì yêu mến nhà sưu tập, đã đổ tư duy và tình cảm để thực hiện tác phẩm này…

Nghiêm Xuân Hưng, Tĩnh hòa gia, sơn dầu, 120x100cm, 2015

Tôi chơi tranh cũng ngót 30 năm, khá thân với nhiều họa sĩ đương đại nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh, đã đến tham quan nhiều Gallery, dự nhiều cuộc triển lãm, bỏ công nghiên cứu về ngành hội họa, điêu khắc, nên cũng có một ít cảm nhận về phong cách cũng như độ sâu tác phẩm của nhiều họa sĩ. Khi đến Gallery Bình Minh của anh Trương Văn Thuận, trong hàng trăm bức tranh bày kín cả ba tầng lầu, tôi chợt nhìn thấy một lối vẽ khá quen nhưng lại… rất lạ, những hình ảnh, màu sắc tả chân rất thật nầy bỗng cuốn hút một cách kỳ lạ, nó như giai điệu của bản nhạc “Love Story” không vui, không buồn nhưng khoét sâu vào tâm khảm những hương vị của tình yêu, của nỗi nhớ thương bàng bạc, của sự quấn quýt và chia ly.

Thấy tôi cứ đứng tần ngần trước các bức vẽ của tác giả ấy, anh Thuận giới thiệu: “Đó là tranh của Nghiêm Xuân Hưng, một người khá nổi tiếng ở Hà Nội, tôi gặp gỡ ông trong một ngày mùa đông giá buốt năm 2013, tại khu đô thị Việt Hưng, ở quận Long Biên, một ông già râu tóc bạc phơ, có đôi mắt trầm buồn, hiền từ nhưng nội tâm thì lại dữ dội, ước vọng cứ luôn cuồn cuộn trào dâng. Ông ước vọng gì, hãy nhìn thấu đáo tác phẩm của ông sẽ rõ, tìm cái mới trong cái cũ, đó là sự đam mê chưa có dấu hiệu mệt mỏi hay ngừng nghỉ của một nghệ sĩ yêu mảnh đất sinh ra mình, cái hương vị bình dị của cuộc sống đã ngấm vào từng làn da, thớ thịt”.

Họa sĩ Nghiêm Xuân Hưng (2018)

Nghiêm Xuân Hưng vẽ nhiều thể loại, đặc tả phố xá, những cảnh sinh hoạt cộng đồng mang sắc thái đồng bằng Bắc bộ, lưu vực sông Hồng, nhưng tôi lý thú trước những bức vẽ thiếu nữ ăn mặc theo lối nhà quê xưa, tự nhiên sinh hoạt với tập tục địa phương hoặc trong gia đình. Chiếc yếm, khăn mỏ quạ và quần nái đen được tác giả khai thác một cách tài tình, bên cạnh không gian đình chùa, hoa sen, ngọn đèn, sắp xếp các lễ vật thờ cúng… ông không tạo dáng mỹ miều, chân dung đều là các thiếu nữ ở miền quê, gương mặt thanh tao, đôi mắt ước vọng, làn da trắng ngần. Rất nhiều cô để bộ ngực trần, khoe vẻ đẹp thiên nhiên, sức sống của lứa tuổi dậy thì, sức mạnh xây dựng tương lai không thể thiếu của người phụ nữ.

Những hình ảnh này làm tôi nhớ thi nhân Nguyễn Bính, ông vua của những bài thơ viết về “nhà quê” rất hay và rất thật:

Nào đâu cái yếm lụa sồi

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân

Nào đâu cái áo tứ thân

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em

Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa…

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê…”.

Không ít họa sĩ khai thác “nuy” ở nhiều góc cạnh, gợi dục, như đi dưới mưa nước thẩm bộ quần áo mỏng tanh, nằm ở tư thế khoe những đường cong quyến rũ, ngồi mộng mơ với đôi gò bồng đảo bốc lửa… với Hưng, những tinh hoa do thiên nhiên ban tặng ấy chỉ là “vẻ đẹp muôn đời – nỗi buồn thiên thu”, cái vẻ đẹp thì không thể chối cãi, ai cũng có thể bình phẩm theo cảm nhận của mình, nhưng cái nỗi buồn thì chỉ có những người từng trải mới thấu được.

Nghiêm Xuân Hưng, Nàng thơ, sơn dầu, 100x100cm, 2018

Tại sao lại dùng ngôn từ đó. Điều đặc biệt tôi nhìn thấy ở tác giả này, là những chi tiết phụ, phông nền (background) được thể hiện đa dạng, kỹ lưỡng không thua gì hình ảnh chính. Cô gái không đơn điệu với sắc vóc mà ngoại cảnh luôn đi với sinh hoạt, ánh mắt suy tư hay đang thực hiện một thao tác. Những background đa phần mô tả đồ vật, đình chùa miếu mạo, cảnh quan đặc thù của địa phương và chính những chi tiết công phu ấy càng tôn thêm vẻ đẹp của tác phẩm. Với lối vẽ siêu thực, tân cổ điển, Nghiêm Xuân Hưng thể hiện khá tài tình những nếp nhăn của chiếc áo, mềm mại của dây lưng đũi, bóc trần chi tiết tự nhiên, lột tả “làn da thớ thịt” của những chiếc lá sen, chiếc bình gốm… một phong cách lãng mạn và hiện thực đòi hỏi tay nghề cao và sự cần mẫn tối đa tập trung vào cây cọ.

Tôi thích các họa phẩm của Châu Âu thời Phục hưng, trong đó lối vẽ của Peter Paul Rubbens (như bức tranh “Sự phán quyết ở Paris” hoàn thành năm 1636) hay “Madonna với trẻ em” của Filippo Lippi vẽ năm 1465… tranh của Hưng có một phần trong lối vẽ dễ cảm nhận ấy. Trong “Cầm, kỳ, thi, họa”, thông thường tác phẩm thế nào thì tâm trạng của tác giả thế ấy. Với biểu cảm một độ sâu thăm thẳm trong ánh mắt, nét tự nhiên đến trầm lắng của các cô gái trong hầu hết các họa phẩm của Nghiêm, người thưởng lãm có thể nhớ lại mấy vần thơ trong “Cô lái đò” của Nguyễn Bính:

Nhưng rồi người khách tình xuân ấy

đi biệt không về… với bến sông

đã mấy lần xuân trôi chảy mãi

mấy lần cô gái mỏi mòn trông…”.

Nghiêm Xuân Hưng cũng làm thơ, thơ ông buồn pha chút vị đắng thế nhân:

“Giao thừa không muốn đón

vị thừa không muốn say… tình thừa còn nguyên đấy

người thừa ta ngồi đây…”;

Với những người sống nhiều với nội tâm, công việc gói gọn trong tâm thức hay tư duy, họ thường tìm đến những nơi thanh tịnh để suy xét và trào dâng nỗi niềm, Nghiêm Xuân Hưng cũng thế, từ năm 2009, ông ẩn cư trong một căn hộ nhìn ra công viên ở khu đô thị mới phát triển tận quận Long Biên, Hà Nội.

Chính ông nói về mình:

Ai ơi nhớ lấy câu nầy

làm người chớ có làm đầy đám đông

đám đông đông mấy thì đông

trong đám đông ấy không trông thấy người…”.

Chu đáo, tinh tường và chân quê, đó là những tố chất đọng lại trong các tác phẩm của người họa sĩ tài hoa trên đất Hà Thành…

Năm 2018, trong cuộc triển lãm cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh do Gallery Bình Minh tổ chức, người “Chân quê” Nghiêm Xuân Hưng bộc bạch: “Lâu lắm rồi mình mới vào Nam, lòng thấy lâng lâng, nhiều xúc cảm. Non sông liền một dải, thống nhất, yên bình. Ôi, những con đường rợp bóng cây, những tòa nhà cứ vươn lên cao mãi, những cô gái, chàng trai thanh xuân, tràn sức sống, làm mình càng thấy yêu non sông, gấm vóc này…

  • Trần Tử Văn – Báo Công 29/04/2023: https://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/chan-que-mot-coi-di-ve_146491.html

Triển lãm tranh mừng 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Báo Công An)

(CAO) Nhạc sĩ Miên Đức Thắng, nghệ sĩ Hồng Vân, họa sĩ Hoài Hương… cùng các văn nghệ sĩ gạo cội TPHCM tham dự triển lãm tranh “Người – Phố” mừng 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vào sáng 28/4.

Với bóng dáng của đường phố và kiến trúc của đô thị từng được mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông” cùng với hình ảnh những người phụ nữ không phôi pha theo tháng năm, hoạ sĩ Lê Thanh “lưu giữ Sài Gòn” theo cách riêng của mình: đưa những nét duyên, nét đẹp vĩnh cửu của TPHCM vào tranh.

Hoạ sĩ Lê Thanh, sinh năm 1942 tại Long Xuyên. Ông theo học Hội hoạ tại trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và tốt nghiệp trường này năm 1963. Là người chịu ảnh hưởng rất lớn về Hội hoạ từ truyền thống của gia đình, dòng họ; đó là cha ông: dịch giả Lê Thức, các bác, các chú là họa sĩ Lê Yên, họa sĩ Lê Phổ, hoạ sĩ – giáo sư Đỗ Đình Hiệp… Tác phẩm của ông hầu hết được lưu giữ tại các bộ sưu tập cá nhân ở Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Phần Lan, Mỹ, Úc, Tây Ban Nha, Ấn Độ…

Nhà báo Nguyễn Trọng Chức đã nhận xét: “Và dễ nhận thấy những phố và người trong loạt tranh mới của Lê Thanh được nhuộm trong sắc vàng của hoài nhớ. Trong tranh ông có những hòa sắc dịu ngọt, trầm lắng, như chìm khuất xuống dưới bề mặt của lớp bố nhưng lại đầy những âm vang của kỷ niệm. Ở tác giả tuổi đã tròn tuổi đại thọ, những hình ảnh thiếu nữ Sài Gòn trong tranh ông vẫn tươi nguyên như nhiều thập niên trước, lãng đãng và mộng mị, mãi là nguồn cảm hứng bất tận của ông.

Nguồn: Báo Công An

 

Triển lãm “Người – Phố” của họa sĩ Lê Thanh (HTV9)

 

Cảm ơn Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, các Hoạ sĩ, nhà Điêu khắc, nhà Sưu tập, anh chị em Văn nghệ sĩ, các phóng viên Báo, Đài và bạn hữu gần xa đã đến dự Khai mạc Triển lãm tranh “Người – Phố” của HS Lê Thanh.

Cảm ơn hai người bạn của HS Lê Thanh (HS Hồ Hữu Thủ và HS Nguyễn Lâm), họ là những người cùng một lớp học của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm xưa. Họ cũng là những người đã nổi danh một thời trong nhóm “Hoạ sĩ trẻ” trước năm 1975 nay còn sót lại.
Sự hiện diện của các quý vị là niềm động viên, phấn khích cho họa sĩ và Phòng tranh.
Triển lãm tại Bình Minh art gallery (29A Ngô Thời Nhiệm, Quận 3) đến hết ngày 07.5.2023.
Quý vị sẽ được mãn nhãn với trên 30 bức tranh sơn dầu của Hoạ sĩ Lê Thanh trong những ngày nghỉ Lễ.
Nguồn: Đài truyền hình HTV9

Khai trương Xuân Quý Mão 2023

Chúc mừng năm mới Xuân Quý Mão đến toàn thể quý vị.
Chúc quý vị một năm mới sức khoẻ dồi dào, gia đình hạnh phúc, an khang, thịnh vượng và gặt hái được nhiều thành công.
Cảm ơn quý vị đã cộng tác với chúng tôi trong suốt thời gian qua và hy vọng sẽ tiếp tục được sự đồng hành của quý vị trong thời gian tới.
Phòng tranh sẽ khai trương hoạt động trở lại từ thứ 5, ngày 02.02.2023 (tức ngày 12 tháng Giêng, năm Quý Mão).
Nhằm tri ân khách hàng, chúng tôi trưng bày các tác phẩm về mùa Xuân và Mèo, đồng thời có giá ưu đãi đặc biệt cho những khách hàng mua các tác phẩm trong tháng Giêng này.
Hãy đến với Bình Minh Art Gallery.
Một số tác phẩm được trưng bày dịp Tết.
Tranh Sơn dầu của HS Nguyễn Trung Phan
Tranh bột màu của HS Đoàn Hồng
Tranh bột màu của HS Đỗ Phấn
Tranh sơn dầu của HS Lê Thế Anh

Họa sĩ Nam Anh: Năm mươi năm – Một triển lãm

Với 50 năm cầm cọ, họa sĩ Nam Anh được biết tới bởi khả năng đa dạng trong ngôn ngữ, thủ pháp, kỹ thuật chất liệu từ đồ họa, hội họa lẫn trang trí…

Ngày 27.8, tại Bình Minh Art Gallery (Q.3, TP.HCM), họa sĩ Nam Anh mở triển lãm cá nhân đầu tay giới thiệu với công chúng 14 bức tranh sơn mài, 16 bức sơn dầu, 1 bức sơn khắc, 1 bức in khắc gỗ và 30 bức màu nước tiêu biểu của ông qua các thời kỳ. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 5.9.

Video chia sẻ của giới chuyên môn về tranh của Nam Anh và toàn cảnh khai mạc triển lãm: 

Nam Anh được giới hội họa và các nhà sưu tập nhận định là họa sĩ có khả năng biến hóa và thích ứng với mọi trường phái hội họa. Nam Anh thành công trên rất nhiều chất liệu khác nhau như: sơn mài, sơn khắc, sơn dầu, khắc gỗ, màu nước… Vì vậy tác phẩm của ông rất đa dạng về ngôn ngữ thể hiện, về thủ pháp và kỹ thuật chất liệu từ đồ họa, hội họa lẫn trang trí… Riêng về tranh sơn mài ông vẫn “kiên định” sáng tác theo phong cách truyền thống.

Họa sĩ Nam Anh (ôm hoa) tại lễ khai mạc triển lãm 27. – Ảnh: Tiểu Vũ

Năm nay họa sĩ Nam Anh 65 tuổi, ông có hơn 50 năm cầm cọ nhưng đây là lần đầu tiên ông mới có một triển lãm cho riêng mình. Triển lãm cá nhân của họa sĩ Nam Anh cũng tạo ra nhiều bất ngờ, bởi với giới hội họa ông là cái tên không quá xa lạ. Tác phẩm của Nam Anh có mặt trong phòng tranh của nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước.

 

Một tác phẩm của Họa sĩ Nam Anh tại triển lãm

Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và TP.HCM, tranh của ông thường xuyên được tuyển chọn tham gia các triển lãm của Hội Mỹ thuật, triển lãm nhóm, triển lãm Câu lạc bộ, triển lãm giao lưu tranh màu nước ở trong nước và quốc tế. Năm 2018, ông đã có cuộc triển lãm nhóm về tranh sơn mài tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh với chủ đề Sài Gòn hẻm vô cùng đặc biệt và gây ấn tượng mạnh cho công chúng.Công chúng thưởng lãm tranh của họa sĩ Nam  – Ảnh: Tiểu Vũ

Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới về lý do đến tuổi 65 mới có triển lãm đầu tay, họa sĩ Nam Anh cho biết: “Suốt sự nghiệp cầm cọ tôi chỉ tham gia các triển lãm chung của nhóm, của hội, riêng lần này tôi nhận thấy tuổi nghề của mình đủ để nhìn nhận một tác phẩm, bởi bản thân tôi tương đối khó tính trong vấn đề lựa chọn tranh: trước khi đưa ra công chúng thưởng thức thì những tác phẩm đó phải thật chỉn chu”.Vợ chồng nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ chồng họa sĩ Nam Anh

Nghiêm túc chuẩn mực với nghề nghiệp, nhưng khi bước ra ngoài ông rất hòa đồng với mọi người, ông thường xuyên tham gia công tác xã hội và luôn có mặt trong các trại sáng tác do Hội Mỹ thuật tổ chức. Từ những chuyến đi thực tế ấy đã hình thành bộ tranh ký họa với hàng ngàn bức vẽ chủ yếu bằng bút kim, màu nước, chì,… ghi lại phong cảnh tươi đẹp của các danh lam, thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử…, cảnh sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân ở khắp các vùng miền hoặc sự phát triển, đổi thay của quê hương, đất nước…

Họa sĩ Nam Anh

Họa sĩ Nam Anh, tên thật là Nguyễn Văn Năm, sinh năm 1957 tại Đồng Tháp. Năm 1971, khi mới 14 tuổi ông được tuyển vào học Mỹ thuật tại Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Sài Gòn. Năm 1975, ra trường, ông đi vẽ tự do và tham gia các hoạt động trong ngành Trang trí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Năm 1989 ông theo học Mỹ thuật tại Bulgaria để nâng cao kiến thức về Hội họa, đến năm 1992 thì về nước.

Trong sự nghiệp sáng tác, họa sĩ Nam Anh cũng giành nhiều giải thưởng ấn tượng như Giải thưởng Philip Morris, Giải thưởng Cathay Pacific (Hồng Kông)…

Ngoài sáng tác tranh, ông còn chế tác các sản phẩm sơn mài như tủ, hộp, bình, mâm, dĩa, tượng, bình phong… rất đa dạng, phong phú để làm quà tặng, đồ trang trí, đồ gia dụng, đề co…. Ông còn nhận phục chế tranh sơn mài bị hư hỏng, xuống cấp…

 

Nguồn “Một thế giới”: https://1thegioi.vn/hoa-si-nam-anh-nam-muoi-nam-mot-trien-lam-186278.html

0916554329

X
error: Thông báo: Nội dung có bản quyền từ Bình Minh Art !!