DƯƠNG BÍCH LIÊN

Dương Bích Liên sinh năm 1924, là con trai duy nhất của một quan tri phủ ở làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

Xuất thân trong một gia đình quyền thế và giầu có nhưng máu nghệ sĩ, ông không muốn học để làm quan mà quyết định ghi tên theo học khoa Hội họa, khóa XVIII (1944) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Năm 1946, ông tham gia kháng chiến chống Pháp (hoạt động ở đoàn kịch và làm báo); năm 1949, ông được kết nạp Đảng; năm 1952, được giao lên chiến khu sống gần và vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1954, ông trở về tiếp quản thủ đô và sáng tác tranh. Năm 1968, ông đi thực tế ở mỏ than Quảng Ninh…

Ông là một hoạ sĩ tài ba, tâm huyết, say mê vẽ; ông dành cả cuộc đời cho nghệ thuật đến mức lơ đãng và quên chính bản thân mình. Ông sống độc thân, không vợ con, không họ hàng, ít giao thiệp; đồ đạc của ông chỉ có một chiếc giường nhỏ quanh năm phủ ga trắng, một chiếc võng, một cái bàn và một cái ghế; đồ nghề của ông chỉ có dăm ba cái bút cùn; tranh vẽ xong là cho đi “ở riêng” để đổi lấy bữa cơm, bữa rượu. Ông đặc biệt thành công với những tác phẩm về chân dung thiếu nữ (có đến 2/3 tác phẩm về đề tài phụ nữ), với thành ngữ của giới mộ điệu: (phố Phái, gái Liên). Ông là một trong nhóm tứ kiệt của làng hội hoạ Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái.

Giai đoạn sáng tác sung sức nhất của ông là vào thập niên 70, ông đã gửi các tác phẩm của mình tham dự triển lãm nhưng chúng sớm bị loại, như bức Hào và bức Bác Hồ nói chuyện với Vệ Quốc Quân. Về bức Bác Hồ nói chuyện với Vệ Quốc Quân (mô tả cảnh Hồ Chí Minh đang nói chuyện với người lính Vệ Quốc Quân ở trong Chiến khu Việt Bắc) bị loại là do họa sĩ đã vẽ người lính nhắm mắt trong khi vị lãnh tụ đang nói chuyện. Theo cách thanh minh của ông, khi nào cực sướng thì người ta thường nhắm mắt; nhưng vào thời đó, không ai dám nghe theo cách diễn giải của ông.

Người ta cho rằng ông tự ái, đau buồn vì sự lạnh nhạt của nhân thế với tác phẩm của mình, thế nên cuối đời ông gần như không sáng tác nữa. Năm 1984, Nhà nước mời bộ tứ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái tổ chức triển lãm, riêng ông từ chối. Do vậy, lúc sinh thời, ông là một họa sĩ không có cuộc triển lãm nào cho riêng mình. Ông mất ngày 12/12/1988.

Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

0916554329

X
error: Thông báo: Nội dung có bản quyền từ Bình Minh Art !!