Dầu sao với 28 tranh trừu tượng của Nguyễn Đình Thuần cũng khắc họa được một cuộc chơi lịch lãm với màu sắc kì thú… Đây cũng là thời điểm đánh dấu kỷ niệm 50 năm hành trình hội họa như Nguyễn Đình Thuần thổ lộ.

Bạn tôi, họa sĩ Nguyễn Đình Thuần sinh năm 1948, hiện sinh sống tại Westminster, California, Hoa Kỳ. Tốt nghiệp hội họa ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế.
Nguyễn Đình Thuần là người hiền hòa, rất tốt bụng, thích kết giao bạn bè và giúp bạn bè những lúc bạn cần.

Anh sống lặng lẽ, nhàn tản và vẽ. Những lần đi du lịch, tôi gặp anh những sáng mênh mông nắng, những buổi tối thoáng mát dịu êm cùng vài người bạn văn nghệ vui với nhau đủ làm cho không gian hạnh phúc tràn lan. Cách tiếp bạn nhiệt tâm khiến cho ai đến vùng Westminster cũng nhớ chỗ Nguyễn Đình Thuần là địa chỉ tin cậy, ấm áp, thích hợp và an lành nhất.

Nhớ quê xưa, sơn dầu, 50cm  x 40cm.

Lần này trở về thăm quê nhà, Thuần có mang theo 28 tranh hầu hết là trừu tượng về tổ chức triển lãm, lần đầu tại Sài Gòn (Gallery Bình Minh, 29A Ngô Thời Nhiệm, Q.3, TP. HCM, từ 23.7 đến 1.8.2023). Đây cũng là thời điểm đánh dấu kỷ niệm 50 năm hành trình hội họa như Nguyễn Đình Thuần thổ lộ.

Kỷ niệm 50 năm là một dấu mốc quan trọng. Nó là một nỗ lực thời gian của nửa đời một người. Khi kỷ niệm 50 năm là người ta muốn trưng bày cho mọi người thấy một thành quả mà bản thân thấy thỏa mãn, gặt hái những thành đạt. Người làm nghệ thuật lại càng quan trọng hơn vì họ sẽ cho chúng ta thấy những khám phá tích tụ trong ngần ấy năm qua tác phẩm. Chúng ta sẽ đến với triển lãm để cùng chia sẻ những điều hay, đẹp của họa sĩ.

Phượng hoàng, sơn dầu, 30cm x 20cm.

Trong văn học nghệ thuật thường người sáng tạo tác phẩm luôn cần quần chúng. Nhà văn, nhà thơ cần có người đọc, họa sĩ cần người thưởng lãm, ca sĩ cần khán giả… Sự trở về quê nhà triển lãm là một chọn lựa thích hợp, nhất là hiện nay lĩnh vực hội họa đang rộ lên trong nước; cộng thêm cái nhìn rộng thoáng về nghệ thuật, mặt bằng tổ chức triển lãm đủ mọi tiêu chuẩn tạo điều kiện tốt đẹp cho họa sĩ, đã mang lại sự khởi sắc như thời gian vừa qua.

Được hỏi về mục đích, hướng đi tìm cái đẹp trong hội họa và đề tài triển khai thế nào? Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần cho biết: “Triển lãm tranh lần này không quy tập vào chủ đề nhất định. Tôi thường vẽ theo suy nghiệm và cảm xúc, theo tôi chủ đề chỉ làm suy giảm cái nhìn tổng thể của nội quan và hạn hẹp”.

Như thế họa sĩ đã chọn lựa sự tự do, chọn trừu tượng giải phóng tuyệt đối ra khỏi những ước lệ gò bó cho việc sáng tác họa phẩm. Có một dạo Nguyễn Đình Thuần pha trộn abstract với vài hình ảnh ấn tượng mà người ta hay gọi là semi-abstract nhưng vẫn rất cần thiết thể hiện những cảm xúc mạnh để quyến rũ người xem…

Ở đây, trong 28 bức tranh, chúng ta thấy Nguyễn Đình Thuần từ chối đường nét, những đường nét ngẫu nhiên tích cực có cường độ mạnh mẽ của chuyển động, để chỉ rải đều điểm màu sắc biểu cảm rực rỡ gần như nguyên chất trên những mảng màu được phân cách, hay bố cục rải rác tạo ra một đấu trường trong đó vẻ đẹp và sự hài hòa hòa hợp với sự hỗn loạn.

Thành phố, sơn dầu, 80cm x 60cm

Nguyễn Đình Thuần tập trung vào sức mạnh và tiềm năng của màu sắc, thông qua việc sử dụng các mảng màu khác nhau và nét vẽ chấm chấm tạo ra hiệu ứng không gian thú vị. Tác phẩm được tạo ra có chủ ý, nhưng hiệu quả là do xung lực ngẫu nhiên. Triển khai một không gian bằng cảm xúc chứ không phải bằng lý lẽ. Lý lẽ chỉ giới hạn bước đi của họa sĩ.

Có một mẫu số chung của các họa sĩ thích được khen tranh của mình diễn tả sự giằng xé, nỗi bất hạnh hay thao thức dằn vặt…, trong khi bản thân lại muốn tự do, giải phóng tách rời một ý tưởng khỏi các tham chiếu khách quan. Thật là nghịch lý. Trừu tượng không giải quyết việc diễn giải một chủ đề mang tính biểu tượng.

Thiếu nữ Huế, sơn dầu, 45cm x 45cm.

Thiền sư, sơn dầu, 120cm x 100cm

Nguyễn Đình Thuần nói thêm: “Hội họa (nghệ thuật) nói chung là đường đi không đến, vẫn phải miệt mài và can đảm đi và không đến, vẻ đẹp thì muôn nơi, điều gì làm rung cảm mình thì vẽ, không quy tập vào đề tài nào cả.”

Paul Gauguin nói vẽ là đi tìm sự thật của cái đẹp. Một cái “thật” của chân lý. Chân lý thì cứ phải đi tìm miết. Có nghĩa đường đi của họa sĩ là đường đi không có điểm dừng. Hội họa từ cổ đại đến nay vẫn còn đang phát triển, và sẽ còn tiếp diễn, còn mãi.

Ở Hoa Kỳ, mỗi họa sĩ ở mỗi nơi xa xôi, cách nhau ít có dịp hội tụ. Trong không gian của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần yên tĩnh đơn lẻ. Hoạt động trong đơn tuyến thường là một thiệt thòi cho người làm nghệ thuật. “Người có đám, chim có bầy”. Trong sinh hoạt nếu có nhóm sẽ thêm động lực làm việc, thúc đẩy nhau vui vẻ sáng tạo. Những khám phá của người này luôn là gợi ý cho người kia về một hướng phát triển quy chiếu riêng. Âm thầm làm việc một mình sẽ thiếu năng động, sự cố gắng chỉ là bù đắp như điền vào chỗ trống.

Có một điều tối kỵ với họa sĩ là vẽ để giải khuây. Giải khuây chỉ nên vẽ chim hoa cá cảnh rồi treo làm đẹp bức tường. Không thể là tác phẩm. Tác phẩm là con người, là thân phận, là một đời sống có lẽ sống chi phối đến tâm trạng kẻ khác. Họa sĩ là người cung cấp cho người xem thứ gì đó có thể tạo ra những hiệu ứng này nọ.

Thời gian, sơn dầu, 110cm x 100cm.

Họa sĩ nào cũng muốn mình tạo được một phong cách cá biệt. Nhưng trước hết đều bị kìm hãm bởi thói quen quá lâu từ mẫu mực. Hầu hết những người xuất thân từ trường sở dễ bị những thói quen làm cho không thể bứt phá được. Thói quen làm việc nhẩn nha cho xong việc, thói quen tư duy, nhìn ngắm sự vật, thói quen dùng khả năng sẵn có để hoàn tất công việc dễ dàng. Trong khi mục đích của trường sở là đào tạo và trang bị vốn liếng để học sinh khi ra trường xây dựng một thế giới mới.

Rời khỏi trường luôn có những câu hỏi vang lên: bắt đầu từ đâu? Triển khai những gì học ở trường? Triển khai những khuất phục từ các lứa đi trước như một kim chỉ nam, một chuẩn mực, hay những người đã nổi tiếng đình đám trong nước hoặc trên thế giới, đã lan truyền qua sách vở có khi từ hằng thế kỷ qua?…

Thuyền ra cửa biển, sơn dầu, 50cm x 40cm.

Một điều nữa là hay bị ảnh hưởng của họa sĩ mình giao tiếp đã có những thành đạt lừng lẫy. Nguyễn Đình Thuần giao lưu với họa sĩ Đinh Cường và cả Nguyên Khai, vì thế, vô hình trung trong tranh của anh thấp thoáng bóng thiếu nữ một chút Đinh Cường, một chút Nguyên Khai chúng ta cũng không lấy làm lạ…

Khung cảnh thơ mộng của Huế chưa đủ đánh thức những cung bậc lãng mạn trong tâm hồn Nguyễn Đình Thuần, giống như các thiếu nữ được pha trộn với không gian giáo đường đầy chất thơ trong tranh Đinh Cường. Ảnh hưởng này đôi khi tác giả không thấy rõ nhưng người xem thì thấy.

Bình minh, sơn dầu, 130cm x 130cm.

Dù sao với 28 tranh trừu tượng của Nguyễn Đình Thuần cũng khắc họa được một cuộc chơi lịch lãm với màu sắc kì thú.

Đến với triển lãm nào cũng thế, bạn sẽ bắt gặp những bức tranh khiến bạn sửng sốt. Bạn muốn sở hữu bức tranh đó ngay. Ra về có thể bạn sẽ rủ vài người bạn đến quán cà phê, bạn sẽ hâm nóng những câu chuyện bắt gặp ở phòng tranh và bạn bị lôi cuốn bởi những dư âm, những ám ảnh đó mãi không thôi…

Nguyễn Trọng Khôi (Thị trấn Đồi Phú Quý, Dallas, Texas, Hoa Kỳ) 

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-dinh-thuan-va-tranh-truu-tuong-40217.html