Cuộc song tấu ánh sáng của hai họa sĩ lão thành

 

 Từ trái sang: họa sĩ Hồ Hữu Thủ, nhà sưu tập Trương Văn Thuận và họa sĩ Đặng Kim Long đứng trước chân dung những thầy giáo khả kính của trường vẽ Gia Định – Ảnh: M.THỤY

TTO – Ở tuổi 80, họa sĩ Hồ Hữu Thủ sẽ lần đầu song tấu với họa sĩ Đặng Kim Long tại triển lãm Mùa xuân tại gallery Bình Minh (Q.3, TP.HCM).

“Thế này mới là sơn mài chứ!” – nhà sưu tập Trương Văn Thuận không giấu được xúc cảm tột bực khi ngắm bức tranh Bà Chúa của họa sĩ Hồ Hữu Thủ.

Công chúng đến triển lãm cũng sẽ được thưởng thức những tác phẩm của họa sĩ Hồ Hữu Thủ do nhà sưu tập Trương Văn Thuận sở hữu. Không chỉ riêng ông Trương Văn Thuận thấy thảng thốt khi đứng trước tác phẩm Bà Chúa và cũng không chỉ riêng bức ấy Hồ Hữu Thủ khiến khán giả của ông mê mẩn.

Hồ Hữu Thủ vốn nổi danh với sự sáng tạo và đào sâu không ngừng nghỉ. Không nhiều người ở tuổi như ông vẫn còn đủ sức khỏe để vẽ những bức sơn mài khổ lớn, ghép 3 tấm, ấy là chưa nói đến sự biểu đạt của tác phẩm đạt đến độ diệu vợi trong ánh sáng: khi tối, tối thăm thẳm với mảng tối rộng và hút. 

Còn khi sáng, chỉ nhả sáng một vài điểm xuyến, như cơ man nguồn sáng tụ lại ở cái chấm nhỏ đấy. Ông vẽ thân hình của thiếu nữ thật đẹp, phần lả lơi, phần đầy đặn vẻ nghiêm nghị pha sắc sảo. 40 bức tranh của Hồ Hữu Thủ tại triển lãm không nói lên hết sức sáng tác dồi dào của ông, vẽ như hơi thở.

Chính bởi tinh thần không ngừng khai phá con đường mới của họa sĩ Hồ Hữu Thủ, nhà báo Nguyễn Trọng Chức đã suy tôn ông như một “vị thuật sĩ của nghệ thuật sơn mài Việt”.

Đặng Kim Long mang số phận nghệ thuật luẩn quẩn lạ thường giữa mưu sinh và sáng tác. Ông đến với nghệ thuật trong cảnh nghèo túng và rồi phải tạm ngưng vẽ để làm việc kiếm sống.

Sau khi trở lại với thế giới hội họa từ năm 2000, họa sĩ Đặng Kim Long nối tiếp niềm say mê cầm cọ nhưng mãi cho đến khi sang Úc và nhờ nhân duyên, những tác phẩm của ông mới được công nhận. 

Năm 2017, ông trở thành thành viên và là chuyên gia danh dự của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia Nam Úc.

Dù mang đến triển lãm Mùa xuân 79 tác phẩm, họa sĩ Đặng Kim Long vẫn dành trọn tâm huyết của mình cho loạt tranh chân dung những nhà giáo khả kính của trường vẽ Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TP.HCM) như một sự tri ân chân thành. 

Từ những bậc thầy này, Đặng Kim Long đã được thọ giáo cả kỹ thuật lẫn phương pháp thẩm mỹ và đặc biệt là kỹ thuật nắm bắt ánh sáng.

Chính vì vậy, trong những bức sơn mài của ông, như tác phẩm Hội chùa, ánh sáng được rải ra trên bề mặt tranh, hòa với không khí rộn rã của ngày xuân. Hoặc ngay cả ở tranh màu nước, không gian mờ sương của Đà Lạt cũng được Đặng Kim Long pha vào nét trữ tình của kiến trúc, cỏ cây.

Triển lãm diễn ra đến ngày 25-12.

Nguồn: https://tuoitre.vn/cuoc-song-tau-anh-sang-cua-hai-hoa-si-lao-thanh-20211216090319513.htm

 

‘Mùa xuân’ đặc biệt của họa sĩ Đặng Kim Long

(Thethaovanhoa.vn) – Triển lãm tranh Mùa Xuân của hai họa sĩ lão thành Hồ Hữu Thủ (sinh 1940) và Đặng Kim Long (sinh năm 1955) khai mạc lúc 9h ngày 9/12 tại Bình Minh Art Gallery (29A Ngô Thời Nhiệm, TP.HCM).

Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Mã Thanh Cao về Đặng Kim Long, một họa sĩ mê vẽ từ nhỏ, cả đời làm nghệ thuật (Tựa đề và các tít phụ do chúng tôi đặt).

Đặng Kim Long hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, trang trí, kiến trúc, cũng là người đã đi và nhiều lần tham gia triển lãm mỹ thuật ở Úc. Nhưng dường như ông càng đi, càng hiểu nhiều nền văn hóa khác, thấu hiểu nhiều trường phái nghệ thuật, thì lại muốn quay về với những cảm xúc sâu lắng, mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt Nam.

Họa sĩ Đặng Kim Long

Đã có lúc thiếu tự tin

Trong triển lãm Mùa Xuân, Đặng Kim Long giới thiệu 79 tác phẩm, gồm 43 tranh màu nước, 24 tranh sơn dầu và 12 tranh sơn mài. Người xem sẽ được thưởng ngoạn những tác phẩm sáng tác gần đây, vẽ về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, duyên dáng. Vẽ những cảnh sắc quê hương hữu tình và khắc ghi hình ảnh những người thân, bạn bè, đồng nghiệp… theo nhiều xu hướng sáng tác khác nhau.

Sinh ra trong một gia đình chưa có ai hoạt động trong ngành nghệ thuật, từ nhỏ Đặng Kim Long đã tình cờ phát hiện niềm đam mê của mình qua những lần xem một người hàng xóm là sinh viên mỹ thuật vẽ. Rồi người thầy đầu tiên ấy đã dạy cho ông những gì có thể, để tự học thêm với niềm say mê đó.

Tác phẩm “Hội Xuân” (sơn mài, 122cm x 244cm, 2019) của Đặng Kim Long

Năm 1968, Đặng Kim Long thi vào Trường Quốc gia Trang trí mỹ thuật Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TP.HCM). Tại đây, ông đã được truyền thụ các kiến thức căn bản nhất để phát huy năng khiếu của mình. Trong những năm đó, tại Sài Gòn, nhiều nghệ sĩ, trong đó có các thầy dạy ông đã sáng tác theo một số xu hướng nghệ thuật mới trên thế giới như trừu tượng, dã thú, siêu thực, biểu hiện…. Điều đó đã khiến Đặng Kim Long có cơ sở để mạnh dạn sáng tác theo nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau.

Ra trường, ông cũng có lúc phải tạm ngưng hoạt động nghệ thuật, bởi nhiều lý do khác nhau. Ông tâm sự: “Chiến tranh, loạn lạc, rồi đói khổ, nên trên vai mình lúc nào cũng có gánh nặng mưu sinh, đứt đoạn việc vẽ, nhưng mà trong lòng thì không thể bỏ tranh và bỏ vẽ được”.

Rồi một thời gian dài ông đã làm việc tại Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM, cũng khá bận rộn, không có thời gian cho đam mê, nên sau này mới quay lại sáng tác. Đôi khi ông cảm thấy không tự tin. Người động viên và khuyến khích ông quay lại chính là họa sĩ Hồ Hữu Thủ – người mà ông luôn kính trọng như một người thầy.

Tác phẩm “Môi trường” (sơn mài, 80cm x 120cm, 1987) của Đặng Kim Long

Trải nghiệm với nhiều chất liệu

Từ năm 2000, Đặng Kim Long đã tham gia nhiều triển lãm cùng bạn bè, đồng nghiệp sau khi trở lại hoạt động một cách say mê. Hàng năm, ông tham gia nhiều trại sáng tác, các triển lãm tại của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TP.HCM và triển lãm nhóm cùng bạn bè.

Ngoài ra, từ năm 2015-2019, ông đã tổ chức một số triển lãm tại Úc và cũng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như Award of Merit cho hai tác phẩm Rainy Days và Wild & Free (2015), Award of Merit cho tác phẩm The Festive Season (2016), Highly Commended cho tác phẩm Adelaide Love (2017)…

Và năm 2017, Đặng Kim Long vinh dự được công nhận là thành viên của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia Nam Úc (Certificate for Associate Membership của Royal South Australian Society of Arts Inc). Cũng năm 2017, còn được nhận Diploma Of Fellowship chính thức, được vinh danh là chuyên gia danh dự của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia Nam Úc.

Cũng như bao nghệ sĩ khác, họa sĩ Đặng Kim Long đã nhiều lần băn khoăn về định hướng sáng tác của mình, nhiều đêm, ông ngồi trước cọ, toan, màu… rồi cứ vẽ – xóa không biết bao nhiêu lần để rồi trong gia tài hôm nay có nhiều xu hướng khác nhau. Ông cũng là người trải nghiệm với nhiều chất liệu hội họa, từ sơn mài truyền thống đến sơn dầu, màu nước. Mỗi chất liệu ông đều cố gắng phát huy thế mạnh của nó để thể hiện cảnh sắc những nơi ông đã đi qua, con người mà ông đã gặp.

Tác phẩm “Từ giã mùa Hè” (sơn dầu, 80cm x 160cm, 2012) của Đặng Kim Long

Một trong những mảng sáng tác nhiều của ông là tranh chân dung. Những người thầy, người thân, bạn bè đồng nghiệp trong tranh ông hiện lên một cách chân thực, mộc mạc và người xem còn cảm nhận được tình cảm yêu thương, kính trọng của người vẽ với người mẫu của mình. Chất liệu sơn mài đã được ông khai thác khả năng biểu đạt vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của những thiếu nữ Việt Nam, hoa sen và phong cảnh, nét hoài cổ với lối vẽ hiện thực, lãng mạn và trừu tượng.

Là người đã trải qua tuổi thơ và thanh xuân trong khó khăn, Đặng Kim Long là người luôn sẵn sàng chia sẻ với những cảnh đời khó khăn, nâng đỡ những đứa trẻ nghèo mà đam mê hội họa bằng những buổi dạy tận tâm hay cùng bạn bè tổ chức triển lãm từ thiện, số tiền thu được đã giúp đỡ những đứa trẻ phải mổ vì bị hở hàm ếch, nạn nhân chất độc da cam.

Hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là được sống với đam mê của mình suốt đời. Đặng Kim Long đang là con người như vậy và ông còn là người biết sẻ chia với mọi người những khó khăn, luôn trân trọng tình người và khá khiêm tốn trong cuộc sống đời thường. Triển lãm tại Bình Minh Art Gallery lần này cũng là sự tri ân của ông với thầy cô, bạn bè và tri ân cuộc đời.

Mã Thanh Cao