(Thethaovanhoa.vn) - Phiên đấu giá “vị nghệ thuật” lần thứ 2 của nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) sẽ diễn ra từ 14h ngày 27/5 tại Hôtel des Arts Saigon (76-78 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM), trong đó có một phác thảo đặc biệt của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993).
Phiên đấu này có tên Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 và đương đại và sẽ bắt đầu bằng giây phút tưởng nhớ ngày mất của Tô Ngọc Vân (17/6/1954), Nguyễn Gia Trí (ngày 20/6/1993), Lưu Công Nhân (21/7/2007)… Đây là những tên tuổi có đóng góp to lớn và có ngày mất gần với ngày mà phiên đấu giá diễn ra.
Độc nhất vô nhị
Phác thảo trên giấy can của Nguyễn Gia Trí tại phiên đấu này có tên là Phong cảnh đồng quê (74 cm x 40 cm, 1968), hiện thuộc sở hữu của nhà sưu tập Trương Văn Thuận (TP.HCM). Nhìn về tổng thể tạo hình, kỹ thuật và thẩm mỹ, bức phác thảo này hoàn toàn đủ sức đứng độc lập như một tác phẩm.
Đây có lẽ cũng là một trong những lý do mà Nguyễn Gia Trí ký tên và lưu giữ rất cẩn thận. Dù thực tế cho thấy ông Trí là người rất bài bản, đã lưu trữ nhiều phác thảo, nhưng không phải tất cả (những bức không như ý, ông đều hủy bỏ).
Mua bán, đấu giá một phác thảo là việc rất bình thường, nhất là với những tác giả đang có tác phẩm được liệt vào hàng bảo vật quốc gia như Nguyễn Gia Trí. Thế nhưng phiên đấu của Lythi Auction đang trở thành vô tiền khoáng hậu vì một sự trùng hợp trên mức ngẫu nhiên, điều rất hiếm gặp trên thế giới.
Cụ thể , cũng vào ngày 27/5, phiên đấu giá buổi tối có tên Asian 20th Century & Contemporary Art của nhà Christie’s tại Hong Kong sẽ bán tác phẩm sơn mài Nostalgie du Haut Tonkin (Nhớ trung du Bắc bộ, 80 cm x 40 cm, 1968) của Nguyễn Gia Trí, với giá ước đoán từ 154.812 đến 232.217 USD. Đây chính là tác phẩm được làm từ bản phác thảo mà Lythi Auction đưa ra đấu tại TP.HCM cùng ngày, (nhưng diễn ra trước vài tiếng đồng hồ).
Do hai tác phẩm này được thực hiện trong cùng một năm, nên độ xê xích hình họa từ phác thảo đến sơn mài không thật nhiều. Nguyễn Gia Trí trở thành bậc thầy vì nhiều lý do, trong đó có thao tác phác thảo trên giấy can quá kĩ lưỡng, nên khi chuyển lên sơn mài đã có độ chính xác cao về bố cục, luôn giữ được biểu cảm và cảm xúc ban đầu.
Sở hữu một phác thảo, dù của danh họa, với nhiều người cũng là “hơi bình thường”, nhưng với Phong cảnh đồng quê lần này thì hoàn toàn khác biệt. Nó trở thành “cái khuôn” đúng ra một tác phẩm đẹp, ra đời trong giai đoạn bắc cầu giữa tác phẩm có “hình người/thiếu nữ” và “không hình người” của Nguyễn Gia Trí. Nó đã phảng phất tinh thần trừu tượng, một kỹ thuật mà hai thập niên cuối đời danh họa này rất yêu thích.
Bảo vật quốc gia
Ngày 30/12/2013, trong đợt công nhận Bảo vật quốc gia lần thứ 2, tác phẩm sơn mài Vườn Xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí đã có tên, được đánh số 34.
Kể từ đó có một suy nghĩ, một chỉ định mặc định rằng toàn bộ sơn mài của Nguyễn Gia Trí là quốc bảo, vì thế không được phép rời khỏi Việt Nam. Sự mặc định này - dù có thể chưa đúng về luật - có cái hay là giúp thay đổi cái nhìn và tăng giá trị, sự bảo vệ với tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí nói chung. Nhưng cũng có những hệ lụy. Và thực tế, giới buôn bán ngầm vẫn có cách vận chuyển ra nước ngoài.
Như tại phiên đấu ngày 27/5 của nhà Christie’s, nhiều người dự đoán tác phẩm Nostalgie du Haut Tonkin sẽ được bán ở bức giá cuối cùng dưới 350.000 USD (gần 8 tỷ đồng). Nếu đúng vậy thì đây sẽ là một trong vài tác phẩm có giá bán công khai cao của Nguyễn Gia Trí.
Với nhiều nhà sưu tập và doanh nhân có lòng tự hào về bản sắc, giá bán này hoàn toàn có thể chấp nhận được. Thế nhưng, một nữ sưu tập trẻ tại TP.HCM (xin giấu tên) lại lo lắng rằng sơn mài của Nguyễn Gia Trí đã là quốc bảo, không biết đi đấu giá mang về Việt Nam thì có gặp khó khăn gì không, dù luật chỉ cấm mang đi. Vì suy nghĩ như vậy nên cô từ bỏ ý định sang Hong Kong, dù trong lòng rất muốn mang một “bảo vật quốc gia” như vậy về Việt Nam.
Đại diện của Lythi Auction còn cho biết thêm rằng vì vấn đề bảo hiểm chưa hoàn thiện mà việc đem kiệt tác về Việt Nam để thực hiện đấu giá gặp vô vàn khó khăn.
Nhiều tác giả lớn "sánh vai" cùng Nguyễn Gia Trí
Bên cạnh phác thảo của Nguyễn Gia Trí, phiên đấu còn có tác phẩm của Tô Ngọc Vân, Hoàng Tích Chù, Hoàng Lập Ngôn, Văn Đen, Lưu Công Nhân, Bùi Quang Ngọc, Hồ Hữu Thủ, Mai Long, Đỗ Xuân Doãn, Hoàng Hồng Cẩm, Chóe, Lê Quảng Hà, Lê Kinh Tài, Đoàn Hồng, Dương Sen… Theo Lythi Auction, “Đây là những tên tuổi: hoặc đã thành huyền thoại của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam, hoặc thời danh, hoặc đang còn là nhân tố bí ẩn, cần khám phá”.
Văn Bảy - Thể Thao và Văn Hóa
ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM