Sở hữu gần cả trăm bức, có thể nói nhà sưu tập Trương Văn Thuận hiện đang là người nắm giữ nhiều nhất các phác thảo, ký họa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Theo nhà sưu tập Trương Văn Thuận, trước khi thể hiện kỹ thuật sơn mài, Nguyễn Gia Trí phải thực hiện rất nhiều bản phác thảo, các chi tiết được tính toán kỹ lưỡng cả từ ý tưởng, hình họa, màu sắc cho đến bố cục.
Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, sinh năm 1908 tại Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), năm 1936 Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Tên của ông đã cùng với các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn tạo thành bộ tứ danh hoạ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam "Trí, Vân, Lân, Cẩn".
Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật và từ đó ông được mệnh danh là "cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam".
Một số tác phẩm bản thảo trong Triển lãm.
Ông cũng là một trong những hoạ sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với những đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Chủ đề quen thuộc trong tranh của ông là những thiếu nữ duyên dáng, nhàn tản trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Với chất sơn ta, son, vàng, bạc, vỏ trứng, cánh gián, Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, một chiều sâu bí ẩn, đưa kỹ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khảng định tầm quan trọng của chất liệu hội hoạ này trong nền Mỹ thuật Việt Nam.
Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cho biết: “ Mình sưu tầm tranh cũng lâu lắm rồi từ những thập niên 80, trong giai đoạn đó mình có cái duyên là quen, thân với gia đình họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên rất muốn sưu tầm những bức phác thảo đầu tiên của cụ Nguyễn Gia Trí vì đó thần bút ngay ban đầu của họa sĩ khởi đầu sáng tác nên tác phẩm”.
Chúng ta có thể tìm thấy những tác phẩm của ông trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và trong nhiều bộ sưu tập cá nhân ở trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, ít ai biết, trước khi kỹ thuật sơn mài được thể hiện, được thăng hoa ông đã phải thực hiện từ rất nhiều bức vẽ phác thảo; nhiều bước, nhiều chi tiết được tính toán kỹ lưỡng cả về ý tưởng, hình hoạ, màu sắc và bố cục; nhiều bức vẽ thực sự đã là các tuyệt phẩm của ông.
Thông Hải/ Báo ảnh Việt Nam
ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM