Dấu ấn Sài Gòn trong tranh Lê Thanh - Người Đô Thị

14/06/2024
Triển lãm Người - Phố

Dấu ấn Sài Gòn trong tranh Lê Thanh

Với hơn 20 tác phẩm sơn dầu trên toile được vẽ thời gian gần đây, họa sĩ Lê Thanh đã trở lại thật ngoạn mục với sinh hoạt nghệ thuật TP.HCM bằng triển lãm cá nhân “Người - Phố” tại Bình Minh Art Gallery (29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3) từ ngày 28.4 đến 7.5.

Đã 14 năm qua, Lê Thanh không tham gia triển lãm nào nên “Người - Phố” chắc chắn là một cột mốc đặc biệt trong hành trình sáng tác dài lâu của ông, một gương mặt tiêu biểu của hội họa Sài Gòn hôm qua - hôm nay.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, thân phụ là dịch giả Lê Thức, chú và bác ruột là hai họa sĩ nổi tiếng Lê Phổ, Lê Yên nên Lê Thanh đến với nghệ thuật rất sớm, như ông tự thuật “đó là gen của tôi từ khi còn rất nhỏ”. Nói cách khác, khi bắt đầu làm quen với bảng chữ cái cũng là lúc ông làm quen với thế giới sắc màu.

Tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1963, nhưng khi còn là sinh viên, vào những năm 1962 - 1965 Lê Thanh đã đoạt được năm giải thưởng hội họa.

Họa sĩ Lê Thanh đang vẽ tranh. Ảnh: TLNV

Họa sĩ Lê Thanh đang vẽ tranh. Ảnh: TLNV

Cuộc đời gắn bó với nghệ thuật của Lê Thanh, có các giai đoạn rõ nét. Trong các thập niên 1980, 1990, ông hoạt động chủ yếu với kiến trúc và trang trí nội thất. Nhiều công trình kiến trúc ở Sài Gòn và Hà Nội có bàn tay tài hoa của ông tham gia hình thành.

Sau một thập niên rời xa giá vẽ, mãi đến năm 2000, họa sĩ mới dành thời gian gần như trọn vẹn cho hội họa.

Phố đêm, sơn dầu, 80x80cm, 2020.

Phố đêm, sơn dầu, 80x80cm, 2020.

Gắn bó nhiều năm với kiến trúc Sài Gòn, dễ hiểu vì sao Lê Thanh đã dành một tình yêu lớn cho thành phố này, như ông từng bày tỏ: “Tôi đã gắn bó với Sài Gòn và rất yêu thành phố này. Tôi muốn ghi lại những hình ảnh đẹp nhất để lưu giữ một Sài Gòn hiện đại mà vẫn duyên dáng và quyến rũ”.

Và ông đã “lưu giữ Sài Gòn” theo cách riêng của mình: đưa những nét duyên, nét đẹp vĩnh cửu của Sài Gòn vào tranh.

Góc xưa Sài Gòn, sơn dầu, 80x120cm, 2020.

Góc xưa Sài Gòn, sơn dầu, 80x120cm, 2020.

Trong tranh Lê Thanh hôm nay, luôn có bóng dáng của đường phố và kiến trúc của đô thị từng được mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông”. Đó là những tác phẩm Vương cung Thánh đường Sài Gòn, Bến Thành xưa, Cửa Đông chợ Bến Thành, Sài Gòn xưa, Góc xưa Sài Gòn, Sài Gòn - Đà Lạt, Phố đêm, Một thời phố… Những nơi chốn mà người nghệ sĩ đã lưu dấu chân, đã lặng ngắm nắng mưa, những bình minh và hoàng hôn, cả trong đêm thanh vắng.

Những nhà hàng, quán xá thân quen như Kim Sơn, Brodard, Givral… mà ông đã cùng bạn bè một thời thù tạc để trở thành mãi mãi trong ký ức; để luôn bồi hồi khi nhớ về, khi tìm lại thoáng hương xưa đã thành cổ tích.

Vương cung Thánh đường Sài Gòn, 100x100cm, 2020.

Vương cung Thánh đường Sài Gòn, 100x100cm, 2020.

Và ẩn hiện trong trùng điệp những góc phố và kiến trúc Sài Gòn dưới mắt nhìn của Lê Thanh là hình ảnh những thiếu nữ không phôi pha theo tháng năm. Cô thiếu nữ đoan trang dưới bóng giáo đường uy nghiêm. Cô gái yêu kiều trong Nàng. Những tà áo dài thanh tân thướt tha trong Nắng Sài Gòn. Cô đào hát lặng lẽ một mình trong Sau giờ diễn... Họ - những người nữ - với ông “là biểu tượng đẹp đẽ nhất của tâm hồn, tâm hồn thiếu nữ bao giờ cũng trong sáng và phong phú như một quyển sách hay”.

Sau giờ diễn, sơn dầu, 80x80cm, 2020.

Sau giờ diễn, sơn dầu, 80x80cm, 2020.

Dễ nhận thấy “người - phố” giao hòa trong những không gian đặc trưng của ngôn ngữ hội họa Lê Thanh: đó là khuynh hướng tạo hình Tân - cổ điển (Neo-classic) như ông thừa nhận, pha trộn chất Hiện thực - lãng mạn (Poetic-realism) quen thuộc trong hội họa của Hồ Hữu Thủ, người bạn chí thân của ông. Cũng theo họa sĩ Hồ Hữu Thủ, tranh Lê Thanh còn bàng bạc chất Siêu thực (Surrealism).

Hoa si Le Thanh

Hoa cài mái tóc, sơn dầu, 110x80cm, 2020.

Và dễ nhận thấy những phố và người trong loạt tranh mới của Lê Thanh được nhuộm trong sắc vàng của hoài nhớ. Trong tranh ông có những hòa sắc dịu ngọt, trầm lắng, như chìm khuất xuống dưới bề mặt của lớp bố nhưng lại đầy những âm vang của kỷ niệm. Tác giả đã tròn tuổi đại thọ, những hình ảnh thiếu nữ Sài Gòn trong tranh ông vẫn tươi nguyên như nhiều thập niên trước, lãng đãng và mộng mị, mãi là nguồn cảm hứng bất tận của ông.

Có thể nói, bằng hội họa, Lê Thanh đang tìm lại thời gian đã mất.

Nguyễn Trọng Chức

Theo Tạp chí điện tử Người Đô Thị

0.0           0 đánh giá
0% | 0
0% | 0
0% | 0
0% | 0
0% | 0
Dấu ấn Sài Gòn trong tranh Lê Thanh - Người Đô Thị

Cám ơn bạn đã gửi đánh giá cho chúng tôi! Đánh giá của bạn sẻ giúp chúng tôi cải thiện chất lượng dịch vụ hơn nữa.

Gửi ảnh thực tế

Chỉ chấp nhận JPEG, JPG, PNG. Dung lượng không quá 2Mb mỗi hình

ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM

  • Lọc theo:
  • Tất cả
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Chia sẻ

Bài viết liên quan