Hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong rất ít hoạ sĩ của Việt Nam được học và tốt nghiệp ở cả hai trường Mỹ thuật danh giá nhất Việt Nam do người Pháp sáng lập từ những năm đầu của Thế kỷ XX, đó là Trường vẽ Gia Định (được thành lập năm 1913 ở miền Nam) và trường Mỹ thuật Đông Dương (được thành lập năm 1925 ở miền Bắc). Ông cũng là một trong số rất ít hoạ sĩ đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở ngành Mỹ thuật, vừa tích cực hoạt động về lĩnh vực chính trị – xã hội, vừa khá thành công trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật.

Huỳnh Văn Thuận, kí hoạ phong cảnh, chì, 16×24.5 cm, 1983

Được biết đến và thành công ở nhiều thể loại tranh khác nhau (tranh cổ động, tranh khắc gỗ, tranh biếm hoạ và đặc biệt là tranh sơn khắc, …), đặc biệt với tác phẩm sơn khắc “Thôn Vĩnh Mốc” hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận đã để lại cho đời và lịch sử Mỹ thuật Việt Nam một kiệt tác còn mãi với thời gian. Chúng tôi cùng nhiều nhà phê bình mỹ thuật và quí vị yêu nghệ thuật sẽ đồng cảm với tâm sự của anh Huỳnh Lê Tuấn (con trai hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận) “Tranh sơn khắc của Huỳnh Văn Thuận đã dịch chuyển không còn “Salon” nữa mà thấm đẫm không khí con người lao động, sản xuất, chiến đấu, phong cảnh bình dị của cỏ cây, hoa lá, của non sông đất nước Việt Nam”.
Nhưng, rất ít người biết, để thành công ở nhiều thể loại trên, hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận đã rất cần mẫn trong lao động nghệ thuật với mảng tranh ký hoạ (hầu hết bằng bút chì, mực nho, bột màu, thuốc nước…) để ghi chép lại những tư liệu “lịch sử” ở những nơi hoạ sĩ đã đi qua, đã sống, đã lao động và chiến đấu cùng đồng bào, đồng chí. Những ký hoạ của ông đã để lại dấu ấn mang giá trị nghệ thuật cùng với thời gian tại nhiều thời khắc và giai đoạn lịch sử khác nhau: trong kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 ở miền Bắc, tại địa đạo Vĩnh Linh, trên đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ và cả thời gian sau năm 1975.

Huỳnh Văn Thuận, chì, 21 x 24.5 cm, 1944

Nhân vật trong tranh của ông là những con người rất bình dị, đó là anh Vệ quốc đoàn, là anh bộ đội, là nữ dân quân, là anh du kích, là lão nông dân, là các mế, các chị, là những thanh, thiếu niên,… Ông vẽ những cảnh sinh hoạt rất đời thường của con người… (thổi cơm, học hát, chơi đàn, đọc báo, diễn tập, lau súng, ngắm bắn, thu giữ và phân phối chiến lợi phẩm, quan sát giặc, …); những phong cảnh quê hương đất nước, cảnh lao động sản xuất, sự ác liệt tàn phá của chiến tranh…
Có thể nói, cùng với tranh sơn khắc, tranh cổ động, thì những ký họa chì…đã định vị tên tuổi Huỳnh Văn Thuận trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Như lời của Nguyên chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương: “Cuộc sống và sáng tác của ông là một tấm gương, một nhân cách của người nghệ sĩ chân chính được giới Mỹ thuật Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao”. Nhà phê bình Mỹ thuật, họa sĩ Quang Việt cũng nhận xét: “Đối với ông, tranh vẽ bằng bút chì là những tác phẩm đích thực có thể lập nghiệp cho một họa sĩ. Vả lại, cùng với thuốc nước, cây bút chì cũng rất phù hợp với sở thích vẽ và bố cục tại chỗ trước cảnh thực, việc thực, người thực của ông”.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận, Bình Minh Art Gallery cùng Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang và anh Huỳnh Lê Tuấn (con trai của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận) phối hợp tổ chức cuộc “triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận” với một phần tranh ký hoạ chì trong bộ sưu tập của Bình Minh Art Gallery và Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang.

Huỳnh Văn Thuận, chì, 16 x 25 cm

Thiết nghĩ, Văn là người và tranh cũng là người… Hãy để những kí họa chì này của họa sĩ như một sự đối thoại da diết… với đồng nghiệp và công chúng thưởng ngoạn. Qua Triển lãm này, Bình Minh Art Gallery và Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang mong muốn giới thiệu đến các đồng nghiệp, các nhà sưu tập, nhà đầu tư nghệ thuật và công chúng yêu Mỹ thuật một phần rất nhỏ tranh ký họa trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận, đây cũng là “nén tâm nhang” để tưởng nhớ hương hồn ông.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Hội Mỹ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh – triển lãm đã động viên hỗ trợ, cảm ơn nhà đấu giá Nghệ thuật “Chọn” đã tài trợ và là địa chỉ đáng tin cậy cho cuộc triển lãm mang nhiều ý nghĩa này. Chúc các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, các Nhà sưu tập, Nhà đầu tư nghệ thuật và công chúng yêu nghệ thuật đến với triển lãm này sức khỏe, hạnh phúc, thành công!

Hà Nội, Tháng 02 năm 2020
Nhà sưu tập Nghệ thuật, Luật sư Trương Văn Thuận