Triển lãm tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần lần đầu tại Việt Nam – Tieudung.vn

Có tổng 28 bức tranh sơn dầu sẽ trưng bày trong triển lãm kỷ niệm 50 năm hành trình hội họa của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần – một trong những họa sĩ hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam.

Chương trình do Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh cấp phép, Bình Minh art gallery và họa sĩ Nguyễn Đình Thuần phối hợp tổ chức. Theo đó, có tổng 28 bức tranh sơn dầu khổ trung bình và nhỏ sẽ được trưng bày trong triển lãm kỷ niệm 50 năm hành trình hội họa của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần. Đây là những bức tranh được chọn lọc trong những tác phẩm họa sĩ Nguyễn Đình Thuần đã sáng tác ở Mỹ trong nhiều năm qua, đánh giá sự “trở về” ngoạn mục của ông khi bước vào tuổi 75.

Cụ thể, triển lãm sẽ chính thức diễn ra từ ngày 23/7 đến hết ngày 30/7 tại Bình Minh art gallery (số 29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP Hồ Chí Minh).

“Hy vọng thông qua triển lãm này, công chúng sẽ có thêm một góc nhìn mới về mỹ thuật và học thuật đối với họa sĩ Nguyễn Đình Thuần” – đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

họa sĩ Nguyễn Đình Thuần

Với 28 tranh trừu tượng, họa sĩ Nguyễn Đình Thuần sẽ khắc họa được một cuộc chơi lịch lãm với màu sắc kì thú tại triển lãm lần này.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần hầu hết đều là trừu tượng, được ca ngợi là thế giới của bình an và tình yêu.

Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, sinh năm 1948, tại Huế. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông đi làm lao động tự do tại quê nhà một thời gian. Do Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế gần nhà nên ông quyết định đăng ký dự thi và đã trúng tuyển vào ngành Mỹ thuật cùng 14 thí sinh khác trong tổng số 150 thí sinh dự thi năm ấy. Năm 1974, ông nhận bằng tốt nghiệp rồi vào Sài Gòn sinh sống và hoạt động Mỹ thuật, là Hội viên Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1996 ông qua Mỹ theo lời mời Triển lãm cá nhân của Trung tâm Văn hoá Đông Hawaii – USA, sau đó ông đã định cư và tiếp tục hoạt động Mỹ thuật cho đến nay, là thành viên Hội đồng Văn hóa Đông Hawaii – USA.

Khi mới vào Trường theo học Mỹ thuật, ông học chuyên ngành lụa, sau đó chuyển hẳn qua học sơn dầu và trung thành với chất liệu này.

Tác phẩm “Bình Minh”, sơn dầu, 130X130cm, 2001 của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần

Những năm đầu tiên của sự nghiệp hội hoạ, ông theo đuổi phong cách ấn tượng, rồi thử nghiệm thể loại siêu thực trong khoảng 10 năm, còn sau đó thì gần như trung thành với lối vẽ trừu tượng. Ông quan niệm: vẽ Trừu tượng, nó là một thứ giải toả tâm hồn mình, sau khi nhận chân thẩm mỹ và đi xuyên qua các thang bậc của hội hoạ hình thể, bố cục, màu sắc; cái “trừu tượng” là bậc trên của “không hình dung” nữa, chứ không phải là trừu tượng không; cái “không hình dung” nó đi thẳng vào tâm hồn người thưởng ngoạn; họ có thể không nhìn thấy theo cái ý niệm “nhìn là phải thấy một cái gì đó”.

Trong sự nghiệp hội hoạ của mình, ông đã sớm thành công với việc tham gia nhiều cuộc triển lãm nhóm và triển lãm cá nhân ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Singapore; Năm 1973, khi đang còn là sinh viên trong Trường Mỹ thuật, ông đã có tranh tham gia tại cuộc Triển lãm Hội Việt – Mỹ Đà Nẵng.

Tranh của ông đã được lưu giữ trong các bộ sưu tập tư nhân ở nhiều nước. Ông đã có 5 triển lãm cá nhân tại Mỹ, nhưng đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Việt Nam.

— Tiểu Thúy —

Nguồn: Tieudung.vn – Chuyên trang của Báo Kinh Tế & Đô Thị Điện Tử: https://tieudung.kinhtedothi.vn/giao-duc-giai-tri/trien-lam-tranh-son-dau-cua-hoa-si-nguyen-dinh-thuan-lan-dau-tai-viet-nam-73733.html

Triển lãm Tranh sơn dầu Nguyễn Đình Thuần

Bình Minh art gallery trân trọng kính mời:
+ Các quý vị đã, đang và sẽ làm nghệ thuật,
+ Các quý vị đã và sẽ là những nhà sưu tập nghệ thuật.
+ Những người yêu nghệ thuật.
+ Cùng bạn bè thân hữu
Đến dự và thưởng lãm những tác phẩm Mỹ thuật đặc sắc tại “Triển lãm tranh sơn dầu Nguyễn Đình Thuần”.
+ Khai mạc: 10h00 Chủ nhật, ngày 23.7.2023
+ Tại “Bình Minh art gallery” số 29A Ngô Thời Nhiệm. Quận 3, TPHCM.
HS Nguyễn Đình Thuần đã tham gia nhiều cuộc triển lãm nhóm ở trong nước và nước ngoài; ông cũng đã có 5 cuộc triển lãm cá nhân tại Mỹ nhưng đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Việt Nam.
Với việc trưng bày 28 bức tranh sơn dầu được chọn lọc trong những tác phẩm ông đã sáng tác ở Mỹ trong những năm qua, đánh giá sự “trở về” ngoạn mục của HS Nguyễn Đình Thuần khi ông bước vào tuổi 75.
Triển lãm diễn ra từ 23.7 đến 30.7.2023

Thăm Bình Minh Art Gallery – Kiến Trúc & Đời Sống

Có hẹn với nhà sưu tập Trương Văn Thuận từ trước mà rồi công việc lu bu, phóng viên KT&ĐS chưa có dịp ghé thăm Bình Minh Art gallery. Nhưng khi đọc tin trên báo Tuổi trẻ về “Triển lãm các phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí” thì chúng tôi không thể hoãn lại việc đến thăm Bình Minh Art gallery.

Đến để chiêm ngưỡng những tác phẩm của danh họa mà bản tin trên Tuổi trẻ hé lộ, “Nhà sưu tập Trương Văn Thuận sẽ lần đầu tiên “mở kho” giới thiệu đến công chúng những tác phẩm quý giá”.
Tiếp phóng viên KT&ĐS, ông Trương Văn Thuận chưa nói ngay về bộ sưu tập danh giá của danh họa Nguyễn Gia Trí mà muốn nói trước về Bình Minh Art gallery. “Gặp báo về kiến trúc thì phải nói về kiến trúc chứ”, ông cười.
Ông Thuận hào hứng chia sẻ: “Có phòng tranh riêng là điều tôi ấp ủ từ lâu, nhưng khi về 29 Ngô Thời Nhiệm mới có cơ hội thực hiện. Thực ra hồi còn ở nhà cũ bên Nguyễn Thiện Thuật, tôi cũng đã có phòng tranh nhưng được sửa lại từ một biệt thự cũ còn đây là xây mới. Mong muốn của tôi khi làm phòng tranh là có nơi triển lãm đồng thời cũng là nơi giao lưu, giao dịch giữa các nhà sưu tập, các họa sỹ, nhà điêu khắc, để xây dựng thành địa chỉ văn hóa, nơi gặp gỡ giao lưu của mọi người”.

Lầu 1 là nơi treo các tranh khổ nhỏ. Cái ghế dài không lưng tựa ở phòng trên lầu 1 là nơi thuận tiện để khách xem tranh, ngồi nghỉ rồi lại tiếp tục ngắm tranh

Là người đã có mấy chục năm theo nghiệp sưu tập tranh, đã từng đặt chân qua nhiều phòng tranh trong và ngoài nước, nắm rõ nhu cầu của người xem nên ông Trương Văn Thuận có cơ sở để thực hiện mong muốn là mang tới cảm giác thoải mái nhất cho người xem tranh. Không gian trưng bày của Bình Minh Art gallery là tầng trệt và lầu 1, trọn diện tích với chiều dài gần 20 mét, chiều rộng 5 mét. Tầng trệt là nơi đón khách nên có một bộ bàn ghế nhỏ để giao tiếp, bộ salon 4 ghế đơn dựa sát một bên tường để khách có thể ngồi trao đổi. Tầng trệt cũng là nơi có những khoảng tường dành treo các bức tranh khổ lớn, xen giữa các bức tranh đó là những tác phẩm điêu khắc. Lầu 1 là nơi để treo một số lượng lớn các bức tranh khổ nhỏ hơn. Từ tầng trệt lên lầu 1 là cầu thang 1 vế chạy dọc tòa nhà áp sát tường được thiết kế kèm theo các ô đặt tượng, tủ sách, kệ để trưng bày sách, vật lưu niệm và các tác phẩm điêu khắc.
Ông Thuận bày tỏ, “Tôi là người đưa ra ý tưởng xây dựng, từng góc, từng chi tiết một, chỗ nào bày tượng, chỗ nào treo tranh, chỗ nào là không gian để mọi người ngắm tranh rồi hệ thống đèn chiếu, các khoảng cách, kích thước cũng được tính toán cụ thể. Hai cái ghế dài không lưng tựa ở hai đầu của căn phòng trên lầu 1 là nơi thuận tiện để khách xem tranh, ngồi nghỉ rồi lại tiếp tục ngắm tranh”.
Thực tế, ngoài không gian triển lãm, toàn bộ tầng hầm và phòng phía sau tầng trệt của Bình Minh Art gallery được thiết kế làm kho chứa tranh có kệ kéo, ánh sáng, điều hòa và các điều kiện cần thiết để bảo quản tranh.
Một gallery nghệ thuật trong ngôi nhà mang đường nét kiến trúc tân cổ điển xuất hiện trên con đường nhỏ trong khu vực có nhiều biệt thự, cây xanh ở trung tâm quận 3 đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu tranh.

Chủ nhà chọn nơi trưng bày tranh, tượng và chăm sóc đến từng chi tiết trong phòng tranh

Bên cạnh bộ sưu tập có đủ tranh của hàng trăm họa sỹ danh tiếng được chia theo các thời kỳ “mỹ thuật Đông Dương, họa sỹ Gia Định trước 1975, họa sỹ miền Bắc trước 1975 và họa sỹ sau 1975”, Bình Minh Art  Gallery còn là nơi thường xuyên tổ chức các triển lãm chuyên đề có tiếng vang trong giới chuyên môn.
Chỉ tính từ tháng 3.2021 sau khi chính thức khai trương tại 29A Ngô Thời Nhiệm đến nay, nhà sưu tập Trương Văn Thuận đã tổ chức 6 triển lãm đều là của các họa sỹ có tên tuổi, được giới chuyên môn quan tâm như  Hồ Hữu Thủ và Đặng Kim Long, Lê Thanh, Lê Vượng, Nguyễn Xuân Việt – Nguyễn Thị Bích Nga, Nam Anh.
Số lần triển lãm như vậy là chưa nhiều. Ông Trương Văn Thuận cho biết, quá trình chuẩn bị một triển lãm gồm các công đoạn rất tốn thời gian như tuyển chọn, chụp hình, làm catalogue, làm khung, rồi truyền thông. Hơn nữa, ông làm triển lãm rất chọn lọc, mỗi triển lãm đều có nét đặc sắc riêng nên được giới chuyên môn đánh giá cao. “Triển lãm các phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí” gồm trên 50 tranh và nhiều tư liệu của danh hoạ lần đầu được trưng bày đã thu hút sự chú ý bởi cả số lượng và chất lượng các tác phẩm.
Trả lời câu hỏi của KT&ĐS về bộ sưu tập độc đáo, quý hiếm được công bố nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của danh họa Nguyễn Gia Trí, nhà sưu tập Trương Văn Thuận dừng lại hồi tưởng. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước ông có cơ duyên quen với cụ Nguyễn Gia Trí và gia đình. Thực ra, ông Trương Văn Thuận đã mê hội họa và nhiếp ảnh từ bé nhưng chưa gặp duyên. Chính từ những bức tranh của cụ Nguyễn Gia Trí, ông mới tìm hiểu sâu về hội họa và bắt đầu sưu tập. Năm 2000 ông lại có thêm cơ hội sưu tập khi gia đình cụ Nguyễn Gia Trí có ý định nhượng lại bộ phác thảo cùng một số tranh, tư liệu. Và đến năm 2023, bộ sưu tập này được ra mắt công chúng nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của danh họa.

Chỗ nào bày tượng, chỗ nào treo tranh, chỗ nào là không gian để mọi người ngắm tranh rồi hệ thống đèn chiếu, các khoảng cách, kích thước… cũng được tính toán cụ thể

Các bức tranh được sắp xếp trên kệ kéo
Theo ông Trương Văn Thuận, trước khi thể hiện kỹ thuật sơn mài, danh họa Nguyễn Gia Trí thực hiện rất nhiều bản phác thảo, các chi tiết được tính toán kỹ từ ý tưởng, hình họa, màu sắc, bố cục. “Mong muốn của tôi khi tổ chức triển lãm lần này là muốn người xem thấy được tính cách tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng chi tiết của danh họa Nguyễn Gia Trí qua những tư liệu cụ chuẩn bị cho quá trình sáng tác”, ông Trương Văn Thuận chia sẻ. Bộ sưu tập được đánh giá cao của giới chuyên môn đã nối dài danh sách những cuộc triển lãm của Bình Minh Art Gallery.
Nói về tương lai, ông Trương Văn Thuận cho biết, sắp tới tại Bình Minh Art Gallery sẽ có triển lãm của họa sỹ họa sỹ Nguyễn Đình Thuần. Hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần, Tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế trước năm 1975, ông hiện sinh sống và sáng tác tại Mỹ. Sau quá trình tìm hiểu qua giới chuyên môn, tin tưởng Bình Minh Art Gallery là nơi “chuẩn chỉ”, họa sỹ Nguyễn Đình Thuần quyết định mang tranh về nước triển lãm. Ông Trương Văn Thuận cho biết, quá trình chuẩn bị cho triển lãm đã hoàn thành các bước cơ bản, tranh đã được chuyển về.
Bình Minh Art Gallery tiếp tục mở cửa, sáng đèn mang đến cho giới chuyên môn, cộng đồng người yêu tranh cơ hội thưởng thức những tác phẩm mới.
Lối vào Bình Minh Art Gallery, một địa chỉ đã dần quen thuộc với người yêu thích hội họa
Ngay lối vào là nơi thông tin về nội dung triển lãm
  • “Tôi coi trọng con mắt tinh tường, gu thẩm mỹ tốt của ông Thuận và lúc này thì mới tin tưởng vào chất lượng bộ sưu tập mà ông đã chọn lựa”, theo nhà điêu khắc Trần Tuy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam – doanhnhanplus.vn
  • “Điều đáng quý ở nhà sưu tập Trương Văn Thuận là thái độ trân trọng nghệ thuật, sự chân thành và tử tế trong làm nghề”, theo Tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM – doanhnhan­vanghethuat.com
  • “Các họa sĩ quý anh Thuận ở chỗ anh rất cầu thị, không ngừng học hỏi. Tình yêu của anh với nghệ thuật vô bờ bến, không toan tính. Với chúng tôi, anh ấy chân tình như những người bạn, trân quý lao động nghệ thuật, nhìn thấy được giá trị sáng tạo của anh em nghệ sĩ. Vì thế mà chúng tôi luôn coi anh Thuận như một “hậu phương” vững chắc để mà yên tâm sáng tác”, theo Họa sĩ Đặng Kim Long – doanhnhanvanghethuat.com

Xin tham khảo thêm tại https://binhminh-artgallery.vn/

Theo TC KIến Trúc & Đời Sống số 205: https://ktds.vn/tham-binh-minh-art-gallery
họa sĩ Nguyễn Đình Thuần

Triển lãm Nguyễn Đình Thuần

Triển lãm cá nhân đầu tiên của HS Nguyễn Đình Thuần ở Việt Nam

Hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần, sinh năm 1948, tại Huế.

Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Nguyễn Đình Thuần làm lao động tự do tại quê nhà một thời gian. Do Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế gần nhà nên Nguyễn Đình Thuần quyết định đăng ký dự thi và đã trúng tuyển vào ngành Mỹ thuật cùng 14 thí sinh khác trong tổng số 150 thí sinh dự thi năm ấy. Năm 1974 Nguyễn Đình Thuần nhận bằng tốt nghiệp rồi vào Sài Gòn sinh sống và hoạt động Mỹ thuật, là Hội viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1996 Nguyễn Đình Thuần qua Mỹ theo lời mời Triển lãm cá nhân của Trung tâm Văn hoá Đông Hawaii – USA, sau đó Nguyễn Đình Thuần đã định cư và tiếp tục hoạt động Mỹ thuật cho đến nay, là thành viên Hội đồng Văn hóa Đông Hawaii – USA.

Trong sự nghiệp Hội hoạ của mình, Nguyễn Đình Thuần đã sớm thành công với việc tham gia nhiều cuộc triển lãm nhóm và triển lãm cá nhân ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Singapore; Năm 1973, khi đang còn là sinh viên trong Trường Mỹ thuật, ông đã có tranh tham gia tại cuộc Triển lãm Hội Việt – Mỹ Đà Nẵng.

Tranh của Nguyễn Đình Thuần đã được lưu giữ trong các bộ sưu tập tư nhân ở nhiều nước. Nguyễn Đình Thuần đã có 5 triển lãm cá nhân tại Mỹ nhưng đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Việt Nam.

Với việc trưng bày 28 bức tranh sơn dầu được chọn lọc trong những tác phẩm Nguyễn Đình Thuần đã sáng tác ở Mỹ trong nhiều năm qua, đánh giá sự “trở về” ngoạn mục của ông khi bước vào tuổi 75.

Triển lãm diễn ra từ ngày 23 đến hết ngày 30 tháng 7 năm 2023 tại Bình Minh Art Gallery (số 29A Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh).

Tác phẩm “Bình Minh”, sơn dầu, 130x130cm, 2001 của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần

 

 

Dấu ấn Sài Gòn trong tranh Lê Thanh – Người Đô Thị

Với hơn 20 tác phẩm sơn dầu trên toile được vẽ thời gian gần đây, họa sĩ Lê Thanh đã trở lại thật ngoạn mục với sinh hoạt nghệ thuật TP.HCM bằng triển lãm cá nhân “Người – Phố” tại Bình Minh Art Gallery (29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3) từ ngày 28.4 đến 7.5.

Đã 14 năm qua, Lê Thanh không tham gia triển lãm nào nên “Người – Phố” chắc chắn là một cột mốc đặc biệt trong hành trình sáng tác dài lâu của ông, một gương mặt tiêu biểu của hội họa Sài Gòn hôm qua – hôm nay.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, thân phụ là dịch giả Lê Thức, chú và bác ruột là hai họa sĩ nổi tiếng Lê Phổ, Lê Yên nên Lê Thanh đến với nghệ thuật rất sớm, như ông tự thuật “đó là gen của tôi từ khi còn rất nhỏ”. Nói cách khác, khi bắt đầu làm quen với bảng chữ cái cũng là lúc ông làm quen với thế giới sắc màu.

Tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1963, nhưng khi còn là sinh viên, vào những năm 1962 – 1965 Lê Thanh đã đoạt được năm giải thưởng hội họa.

Họa sĩ Lê Thanh đang vẽ tranh. Ảnh: TLNV

Cuộc đời gắn bó với nghệ thuật của Lê Thanh, có các giai đoạn rõ nét. Trong các thập niên 1980, 1990, ông hoạt động chủ yếu với kiến trúc và trang trí nội thất. Nhiều công trình kiến trúc ở Sài Gòn và Hà Nội có bàn tay tài hoa của ông tham gia hình thành.

Sau một thập niên rời xa giá vẽ, mãi đến năm 2000, họa sĩ mới dành thời gian gần như trọn vẹn cho hội họa.

Phố đêm, sơn dầu, 80x80cm, 2020.

Gắn bó nhiều năm với kiến trúc Sài Gòn, dễ hiểu vì sao Lê Thanh đã dành một tình yêu lớn cho thành phố này, như ông từng bày tỏ: “Tôi đã gắn bó với Sài Gòn và rất yêu thành phố này. Tôi muốn ghi lại những hình ảnh đẹp nhất để lưu giữ một Sài Gòn hiện đại mà vẫn duyên dáng và quyến rũ”.

Và ông đã “lưu giữ Sài Gòn” theo cách riêng của mình: đưa những nét duyên, nét đẹp vĩnh cửu của Sài Gòn vào tranh.

Góc xưa Sài Gòn, sơn dầu, 80x120cm, 2020.

Trong tranh Lê Thanh hôm nay, luôn có bóng dáng của đường phố và kiến trúc của đô thị từng được mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông”. Đó là những tác phẩm Vương cung Thánh đường Sài Gòn, Bến Thành xưa, Cửa Đông chợ Bến Thành, Sài Gòn xưa, Góc xưa Sài Gòn, Sài Gòn – Đà Lạt, Phố đêm, Một thời phố… Những nơi chốn mà người nghệ sĩ đã lưu dấu chân, đã lặng ngắm nắng mưa, những bình minh và hoàng hôn, cả trong đêm thanh vắng.

Những nhà hàng, quán xá thân quen như Kim Sơn, Brodard, Givral… mà ông đã cùng bạn bè một thời thù tạc để trở thành mãi mãi trong ký ức; để luôn bồi hồi khi nhớ về, khi tìm lại thoáng hương xưa đã thành cổ tích.

Vương cung Thánh đường Sài Gòn, 100x100cm, 2020.

Và ẩn hiện trong trùng điệp những góc phố và kiến trúc Sài Gòn dưới mắt nhìn của Lê Thanh là hình ảnh những thiếu nữ không phôi pha theo tháng năm. Cô thiếu nữ đoan trang dưới bóng giáo đường uy nghiêm. Cô gái yêu kiều trong Nàng. Những tà áo dài thanh tân thướt tha trong Nắng Sài Gòn. Cô đào hát lặng lẽ một mình trong Sau giờ diễn… Họ – những người nữ – với ông “là biểu tượng đẹp đẽ nhất của tâm hồn, tâm hồn thiếu nữ bao giờ cũng trong sáng và phong phú như một quyển sách hay”.

Sau giờ diễn, sơn dầu, 80x80cm, 2020.

Dễ nhận thấy “người – phố” giao hòa trong những không gian đặc trưng của ngôn ngữ hội họa Lê Thanh: đó là khuynh hướng tạo hình Tân – cổ điển (Neo-classic) như ông thừa nhận, pha trộn chất Hiện thực – lãng mạn (Poetic-realism) quen thuộc trong hội họa của Hồ Hữu Thủ, người bạn chí thân của ông. Cũng theo họa sĩ Hồ Hữu Thủ, tranh Lê Thanh còn bàng bạc chất Siêu thực (Surrealism).

Nàng, sơn dầu, 110x80cm, 2020.

Và dễ nhận thấy những phố và người trong loạt tranh mới của Lê Thanh được nhuộm trong sắc vàng của hoài nhớ. Trong tranh ông có những hòa sắc dịu ngọt, trầm lắng, như chìm khuất xuống dưới bề mặt của lớp bố nhưng lại đầy những âm vang của kỷ niệm. Tác giả đã tròn tuổi đại thọ, những hình ảnh thiếu nữ Sài Gòn trong tranh ông vẫn tươi nguyên như nhiều thập niên trước, lãng đãng và mộng mị, mãi là nguồn cảm hứng bất tận của ông.

Có thể nói, bằng hội họa, Lê Thanh đang tìm lại thời gian đã mất.

Nguyễn Trọng Chức

Nguồn: Tạp chí điện tử Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dau-an-sai-gon-trong-tranh-le-thanh-39354.html

Triển lãm các bản phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí – Báo Ảnh Việt Nam

Sở hữu gần cả trăm bức, có thể nói nhà sưu tập Trương Văn Thuận hiện đang là người nắm giữ nhiều nhất các phác thảo, ký họa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Theo nhà sưu tập Trương Văn Thuận, trước khi thể hiện kỹ thuật sơn mài, Nguyễn Gia Trí phải thực hiện rất nhiều bản phác thảo, các chi tiết được tính toán kỹ lưỡng cả từ ý tưởng, hình họa, màu sắc cho đến bố cục.

Nhà sưu tập Trương Văn  Thuận đã “theo đuổi” bộ sưu tập các bản thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong nhiều năm qua. Ảnh: Thông Hải/ VNP

Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, sinh năm 1908 tại Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), năm 1936 Tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Tên của ông đã cùng với các hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn tạo thành bộ tứ danh hoạ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam “Trí, Vân, Lân, Cẩn”.

Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật và từ đó ông được mệnh danh là “cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”.

Một số tác phẩm bản thảo trong Triển lãm.

Ông cũng là một trong những hoạ sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với những đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Chủ đề quen thuộc trong tranh của ông là những thiếu nữ duyên dáng, nhàn tản trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Với chất sơn ta, son, vàng, bạc, vỏ trứng, cánh gián, Nguyễn Gia Trí đã tạo cho tranh sơn mài một vẻ đẹp lộng lẫy, một chiều sâu bí ẩn, đưa kỹ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khảng định tầm quan trọng của chất liệu hội hoạ này trong nền Mỹ thuật Việt Nam.

               
Một số tác phẩm bản thảo trong Triển lãm.
Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cho biết: “ Mình sưu tầm tranh cũng lâu lắm rồi từ những thập niên 80, trong giai đoạn đó mình có cái duyên là quen, thân với gia đình họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên rất muốn sưu tầm những bức phác thảo đầu tiên của cụ Nguyễn Gia Trí vì đó thần bút ngay ban đầu của họa sĩ khởi đầu sáng tác nên tác phẩm”.
     
     
Một số tác phẩm bản thảo trong Triển lãm.

Chúng ta có thể tìm thấy những tác phẩm của ông trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và trong nhiều bộ sưu tập cá nhân ở trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, ít ai biết, trước khi kỹ thuật sơn mài được thể hiện, được thăng hoa ông đã phải thực hiện từ rất nhiều bức vẽ phác thảo; nhiều bước, nhiều chi tiết được tính toán kỹ lưỡng cả về ý tưởng, hình hoạ, màu sắc và bố cục; nhiều bức vẽ thực sự đã là các tuyệt phẩm của ông.

Thực hiện: Thông Hải/ Báo ảnh Việt Nam: https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/trien-lam-cac-ban-phac-thao-cua-hoa-si-nguyen-gia-tri-334201.html

Danh họa Nguyễn Gia Trí và phiên đấu giá ‘vô tiền khoáng hậu’ – Thể Thao Văn Hóa

(Thethaovanhoa.vn) – Phiên đấu giá “vị nghệ thuật” lần thứ 2 của nhà đấu giá Lý Thị (Lythi Auction) sẽ diễn ra từ 14h ngày 27/5 tại Hôtel des Arts Saigon (76-78 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM), trong đó có một phác thảo đặc biệt của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993).

Phiên đấu này có tên Hội họa Việt Nam thế kỷ 20 và đương đại  và sẽ bắt đầu bằng giây phút tưởng nhớ ngày mất của Tô Ngọc Vân (17/6/1954), Nguyễn Gia Trí (ngày 20/6/1993), Lưu Công Nhân (21/7/2007)… Đây là những tên tuổi có đóng góp to lớn và có ngày mất gần với ngày mà phiên đấu giá diễn ra.

Độc nhất vô nhị

Phác thảo trên giấy can của Nguyễn Gia Trí tại phiên đấu này có tên là Phong cảnh đồng quê (74 cm x 40 cm, 1968), hiện thuộc sở hữu của nhà sưu tập Trương Văn Thuận (TP.HCM). Nhìn về tổng thể tạo hình, kỹ thuật và thẩm mỹ, bức phác thảo này hoàn toàn đủ sức đứng độc lập như một tác phẩm.

Danh họa Nguyễn Gia Trí

Đây có lẽ cũng là một trong những lý do mà Nguyễn Gia Trí ký tên và lưu giữ rất cẩn thận. Dù thực tế cho thấy ông Trí là người rất bài bản, đã lưu trữ nhiều phác thảo, nhưng không phải tất cả (những bức không như ý, ông đều hủy bỏ).

Mua bán, đấu giá một phác thảo là việc rất bình thường, nhất là với những tác giả đang có tác phẩm được liệt vào hàng bảo vật quốc gia như Nguyễn Gia Trí. Thế nhưng phiên đấu của Lythi Auction đang trở thành vô tiền khoáng hậu vì một sự trùng hợp trên mức ngẫu nhiên, điều rất hiếm gặp trên thế giới.

Cụ thể , cũng vào ngày 27/5, phiên đấu giá buổi tối có tên Asian 20th Century & Contemporary Art của nhà Christie’s tại Hong Kong sẽ bán tác phẩm sơn mài Nostalgie du Haut Tonkin (Nhớ trung du Bắc bộ, 80 cm x 40 cm, 1968) của Nguyễn Gia Trí, với giá ước đoán từ 154.812 đến 232.217 USD. Đây chính là tác phẩm được làm từ bản phác thảo mà Lythi Auction đưa ra đấu tại TP.HCM cùng ngày, (nhưng  diễn ra trước vài tiếng đồng hồ).

Bản ghép hình chụp, bên trái là phác thảo trên giấy can “Phong cảnh đồng quê”, bên phải là sơn mài “Nostalgie du Haut Tonkin”

Do hai tác phẩm này được thực hiện trong cùng một năm, nên độ xê xích hình họa từ phác thảo đến sơn mài không thật nhiều. Nguyễn Gia Trí trở thành bậc thầy vì nhiều lý do, trong đó có thao tác phác thảo trên giấy can quá kĩ lưỡng, nên khi chuyển lên sơn mài đã có độ chính xác cao về bố cục, luôn giữ được biểu cảm và cảm xúc ban đầu.

Sở hữu một phác thảo, dù của danh họa, với nhiều người cũng là “hơi bình thường”, nhưng với Phong cảnh đồng quê lần này thì hoàn toàn khác biệt. Nó trở thành “cái khuôn” đúng ra một tác phẩm đẹp, ra đời trong giai đoạn bắc cầu giữa tác phẩm có “hình người/thiếu nữ” và “không hình người” của Nguyễn Gia Trí. Nó đã phảng phất tinh thần trừu tượng, một kỹ thuật mà hai thập niên cuối đời danh họa này rất yêu thích.

Bảo vật quốc gia

Ngày 30/12/2013, trong đợt công nhận Bảo vật quốc gia lần thứ 2, tác phẩm sơn mài Vườn Xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí đã có tên, được đánh số 34.

Kể từ đó có một suy nghĩ, một chỉ định mặc định rằng toàn bộ sơn mài của Nguyễn Gia Trí là quốc bảo, vì thế không được phép rời khỏi Việt Nam. Sự mặc định này – dù có thể chưa đúng về luật – có cái hay là giúp thay đổi cái nhìn và tăng giá trị, sự bảo vệ với tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí nói chung. Nhưng cũng có những hệ lụy. Và thực tế, giới buôn bán ngầm vẫn có cách vận chuyển ra nước ngoài.

Như tại phiên đấu ngày 27/5 của nhà Christie’s, nhiều người dự đoán tác phẩm Nostalgie du Haut Tonkin sẽ được bán ở bức giá cuối cùng dưới 350.000 USD (gần 8 tỷ đồng). Nếu đúng vậy thì đây sẽ là một trong vài tác phẩm có giá bán công khai cao của Nguyễn Gia Trí.

Với nhiều nhà sưu tập và doanh nhân có lòng tự hào về bản sắc, giá bán này hoàn toàn có thể chấp nhận được. Thế nhưng, một nữ sưu tập trẻ tại TP.HCM (xin giấu tên) lại lo lắng rằng sơn mài của Nguyễn Gia Trí đã là quốc bảo, không biết đi đấu giá mang về Việt Nam thì có gặp khó khăn gì không, dù luật chỉ cấm mang đi. Vì suy nghĩ như vậy nên cô từ bỏ ý định sang Hong Kong, dù trong lòng rất muốn mang một “bảo vật quốc gia” như vậy về Việt Nam.

Đại diện của Lythi Auction còn cho biết thêm rằng vì vấn đề bảo hiểm chưa hoàn thiện mà việc đem kiệt tác về Việt Nam để thực hiện đấu giá gặp vô vàn khó khăn.

Nhiều tác giả lớn “sánh vai” cùng Nguyễn Gia Trí

Bên cạnh phác thảo của Nguyễn Gia Trí, phiên đấu còn có tác phẩm của Tô Ngọc Vân, Hoàng Tích Chù, Hoàng Lập Ngôn, Văn Đen, Lưu Công Nhân, Bùi Quang Ngọc, Hồ Hữu Thủ, Mai Long, Đỗ Xuân Doãn, Hoàng Hồng Cẩm, Chóe, Lê Quảng Hà, Lê Kinh Tài, Đoàn Hồng, Dương Sen… Theo Lythi Auction, “Đây là những tên tuổi: hoặc đã thành huyền thoại của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam, hoặc thời danh, hoặc đang còn là nhân tố bí ẩn, cần khám phá”.

Nguồn: Văn Bảy – Thể Thao và Văn Hóa: https://thethaovanhoa.vn/danh-hoa-nguyen-gia-tri-va-phien-dau-gia-vo-tien-khoang-hau-20170523063328161.htm

30 năm ngày mất danh họa Nguyễn Gia Trí (kỳ 3 và hết): ‘Mỗi bức tranh là một cơ thể sống’

Nguyễn Gia Trí quan niệm: “Mỗi bức tranh là một cơ thể sống. Nó có cuộc sống riêng. Nó sẽ tác động đến người xem khác nếu họ có sự đồng cảm”. Trong bài này, được sự đồng ý của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) lược trích vài đoạn ngắn trong sách Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo (1998) do Nguyễn Xuân Việt thực hiện, để hiểu thêm về quan điểm sáng tạo và nghệ thuật trừu tượng của danh họa này.

Một trong những câu nói lúc cuối đời của Nguyễn Gia Trí: “Không có bức tranh nào gọi là xong cả. Tất cả đều là phác thảo”.

Nguyễn Gia Trí vốn rất kiệm lời, ngại gặp người chưa quen, gần như không nói chuyện với người lạ. Để có được cuốn sách này, chứng tỏ Nguyễn Xuân Việt đã rất công phu và biết cách lắng nghe, ghi chép.

Nguyễn Gia Trí thời trẻ

Triết lý trừu tượng

Trong ghi chép ngày 19/11/1980, Nguyễn Gia Trí viết: “Chính vì họa sĩ muốn biết và thấy cái tâm mình, nên mới tìm tòi làm việc. Vì không biết nên mới vẽ.

Đối với hội họa trừu tượng, cũng không nên phân biệt với các môn phái khác. Nó cũng chỉ là phương tiện để họa sĩ tìm cái thật. Hội họa trừu tượng khó là vì họa sĩ không có chỗ dựa vào mẫu thực. Từng chấm, từng nét trong tranh trừu tượng cũng có hình riêng và là một với toàn thể tranh. Chi tiết cũng như những giọt sương. Nhưng mỗi giọt đều soi ánh mặt trời. Mọi chi tiết trong tranh đều chịu một sự kiểm soát ngang nhau.

Pollock vẽ trừu tượng là ông “lên đồng”, nhập thể, tự mình là một với bức tranh. Mọi cảm xúc cuộc sống đều hiện lên đấy”.

Nguyễn Gia Trí viết thêm: “Học vẽ giống như người đi xe đạp, mới lên thì chuệnh choạng, nghiêng ngả, sau đó lấy lại được thăng bằng và cứ thế đạp thẳng đi được. Sáng tác, có lúc như trong mơ. Người vẽ không suy nghĩ, mà chỉ làm. Khi đã nghĩ mình vẽ trừu tượng, thì bức tranh lại không còn trừu tượng nữa. Lúc ấy sáng tác đã bị phân hai, giữa tranh và người vẽ tranh. Trước thiên nhiên mình vẫn có thể rút ra cái trừu tượng. Có khi ở cái tướng cụ thể, mà người ta nhìn thấy trừu tượng”.

Bức trừu tượng (120cm x 180cm, khoảng thập niên 1970) của Nguyễn Gia Trí, thuộc sưu tập của Đinh Vũ Hải (TP.HCM)

Khi được hỏi: Vẽ trừu tượng có phá mất hình thực hoặc làm hình thực yếu đi? Nguyễn Gia Trí trả lời: “Sợ vẽ trừu tượng sẽ ảnh hưởng đến hình thực? Sẽ có ảnh hưởng. Nhưng cũng như món ăn. Ăn vào sẽ tiêu hóa. Mình không thể trực tiếp thấy nó tiêu hóa như thế nào”.

Và ông kết luận: “Sáng tác, có lúc như trong mơ. Người vẽ không suy nghĩ, mà chỉ làm. Khi đã nghĩ mình vẽ trừu tượng, thì bức tranh lại không còn trừu tượng nữa. Lúc ấy sáng tác đã bị phân hai, giữa tranh và người vẽ tranh”.

 

Phác thảo trừu tượng (77cm x 100cm), thuộc sưu tập của Trương Văn Thuận

Thấy được chính mình

Ngày 4/5/1979, Nguyễn Gia Trí viết: “Thấy được chính mình đã là một bước tiến bộ lớn. Nhưng thấy mình, phải tự vượt lên mình. Không bị cái thấy ấy chi phối, thì mới giải thoát được. Học vẽ là phải tự mình suy nghĩ, tự mình đi. Cứ soi vào tâm mình thì không bao giờ lạc lối. Nghệ sĩ chân chính thì không bao giờ lạc lối cả. Vì khi anh tìm tòi, thì lạc vào đâu cũng thú vị. Cho dù lạc vào địa ngục, cũng là thấy được địa ngục. Vì anh luôn luôn đi tìm một cách vô tư trong sáng. Cái học nguy hiểm nhất là đi theo đuôi người khác, hoặc lạc vào tiền tài danh vọng”.

Cuốn sách “Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo” (1998)

Ngày 11/12/1981, ông viết: “Nhanh chậm không thành vấn đề, bởi thời gian ở trong tâm ta. Có thể vẽ xuôi, vẽ ngược, đằng nào cũng được. Vì vẽ cũng như nét chữ của ta. Khi ta nhập thể, nó chính là ta, ta chính là nó. Khi ấy những sai sót vi tế nhất ta cũng phân biệt được. Như người chỉ huy một dàn nhạc giao hưởng, có thể phân biệt được từng nốt nhỏ bị lạc điệu”.

Ghi chép ngày 19/11/1980: “Làm nghệ thuật điều chính yếu nhất là thành thật. Cái hại nhất là giả với mình. Phải làm việc nghiêm túc, có khi đến khắc nghiệt với chính mình. Làm hàng trăm cái hỏng để chỉ lấy nửa cái được, hoặc một cái được. Người nghệ sĩ không bao giờ tự thỏa mãn”.

“Chất liệu chiếm một nửa người nghệ sĩ. Phải yêu chất liệu, như yêu vợ mình, thì mới có con là tác phẩm. Mỗi chất liệu có đặc điểm riêng. Phải nắm được tính chất riêng của nó. Ví dụ: Độ dày mỏng của sơn dầu. Với sơn mài thì lại yêu cầu phẳng, độ bóng, hoặc bằng bất kỳ cách nào, miễn là đạt được hiệu quả nghệ thuật. Khi có điều gì chưa đạt, người vẽ áy náy, tìm cách khắc phục. Cho đến khi tạm thỏa mãn, hoặc thỏa mãn với bức tranh ấy”.

“Tranh phải bỏ hết ý đi. Vì cố ý làm là đã có một khoảng cách giữa ta và chất liệu. Mà việc cố gắng thể hiện ý lại tạo một khoảng cách lớn hơn nữa. Nhập thể vào cái toàn thể bao giờ cũng vậy, không phải ta chú ý đến cái nhỏ mà nó thành. Bao giờ cũng nhìn toàn bộ, nhìn cái lớn. Vẽ sơn mài mới hiểu được thời gian, hiểu cuộc sống. Sơn mài là phương tiện để ta sống và nó cũng là cứu cánh. Đến lúc nào đó hai cái nhập vào làm một. Bởi cái gì là phương tiện thì cái ấy không thể là cứu cánh”.

Nguyễn Gia Trí suy ngẫm: “Sống đúng, sống đủ, thì khi ta chết đi ta thấy mình đã làm đúng, làm đủ, không để uổng phí cuộc đời mình, ta có thể chết thanh thản. Cái sống và cái chết, cũng như màu trắng và màu đen. Hai cái ấy ẩn hiện, đan xen vào nhau, như đậm nhạt trong một bức tranh, nó là một”.

Ghét nhìn lại những gì đã làm

Vốn ít khi viết thư. Trong bức thư gửi họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ ngày 11/10/1975, Nguyễn Gia Trí có viết: “… Anh hỏi tôi về những ảnh chụp tranh, riêng tôi thì không bao giờ chụp những tác phẩm của tôi vì đặc tính của sơn mài là bóng, chụp ảnh rất khó lấy hết cái đẹp của nước sơn. Huống chi thú thật cùng anh, tôi rất ghét nhìn lại những gì tôi đã làm, làm xong tôi ráng quên đi là đằng khác. Quên đi, quên được hết ráo, càng sạch hết vết tích của những gì đã qua, càng tốt”.

“Nhưng khổ thay, khách hàng phần nhiều đòi hỏi người nghệ sĩ làm đi làm lại những kiểu mình đã làm hàng chục năm về trước, hoặc năm ngoái, năm kia rồi! Sự thực thì vì nghề nghiệp phải sống, phải phát triển, mình vẫn phải bắt buộc chiều theo ý khách hàng đôi chút, cố giữ tự do của sự sáng tác phần nào, nhưng với cái nghề sơn mài, tuy tương đối vấn đề đó để đôi chút về mặt khách hàng bỏ tiền ra cho mình làm, mà cái khó lại ở chính mình tự trói buộc trong khuôn khổ chật hẹp của thói quen, của những ý niệm, những tư tưởng sách vở, những kinh nghiệm đã qua, quá quen thuộc như một con đường mòn.

Tâm trí mình vì vậy gặp cái trở ngại lớn nhất cho sự sáng tác nghệ thuật, nó không phải là sản xuất, không dựa hoàn toàn vào kỹ thuật dù tinh xảo đến đâu, mà nó đòi hỏi tính cách tươi tắn, hồn nhiên, bén nhạy. Sống! Không giả tạo, không diễn tả, không dịch thuật, đó, tôi quan niệm sáng tác thực nó phải như vậy”.

Nguồn: Văn Hóa Thể Thao: https://thethaovanhoa.vn/30-nam-ngay-mat-danh-hoa-nguyen-gia-tri-ky-3-va-het-moi-buc-tranh-la-mot-co-the-song-20230614065927324.htm

30 năm ngày mất danh họa Nguyễn Gia Trí (kỳ 2): Gặp trò là nhớ đến thầy – Văn Hóa Thể Thao

Trong các học trò thân cận của Nguyễn Gia Trí tại TP.HCM, hiện nay còn họa sĩ Hoàng Vượng (sinh năm 1948) và họa sĩ Nguyễn Xuân Việt (sinh 1949). Nhưng vì lý do sức khỏe, Hoàng Vượng chọn sống lặng lẽ ở một quận xa trung tâm, ngưng giao tiếp với đồng nghiệp. Trong một lần đến Hội Mỹ thuật TP.HCM vì công việc khác, tình cờ người viết có địa chỉ mới của họa sĩ Hoàng Vượng, nên có được cơ duyên kết nối này.

Hoàng Vượng không còn nhớ rõ mình học sơn mài với danh họa Nguyễn Gia Trí từ ngày tháng nào, nhưng làm việc với thầy thì gần 20 năm. Một số năm cuối cùng, ở xưởng có khi chỉ có mình Hoàng Vượng làm, thầy Trí thì ngồi xe lăn chỉ dẫn. Sau khi thầy mất (1993), Hoàng Vượng còn đến giúp cô Nguyễn Thị Kim – vợ của thầy Nguyễn Gia Trí – thêm một thời gian nữa, nhằm hoàn tất vài bức tranh sắp hoàn thiện, đã nhận đặt hàng mà chưa kịp giao. Công việc chỉ dừng lại khi cô Kim yếu và tranh thì đã giao hết.

Thầy dạy vẽ đi học sơn mài

Hoàng Vượng sinh ra ở tỉnh Bình Dương, quê quán ở Thái Bình. Cha ông vào đây lập nghiệp, có gia đình, sinh ra anh chị em ông. Hoàng Vượng học sơn mài mỹ nghệ tại Bình Dương từ lúc nhỏ. Từ năm 1965 đến 1975, học việc và cộng tác tại xưởng sơn mài của thầy Nguyễn Gia Trí ở Sài Gòn. Từ 1970 đến 1972, làm chuyên viên nghiên cứu sơn mài tại Nha Kỹ thuật. Từ 1972 đến 1975 dạy vẽ tại Trường Chuyên nghiệp Phan Đình Phùng và Trường Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ. Ông nhận giải thưởng danh dự về hội họa – điêu khắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Họa sĩ Hoàng Vượng

Khi bước vào độ tuổi 30, lúc đã tham gia nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước, đã bán tranh đây đó, Hoàng Vượng chợt nghĩ rằng mình cần học nâng cao hơn về sơn mài, nên muốn tìm về thầy cũ để thọ giáo. Qua sự giới thiệu của vài đàn anh, ông tìm đến Xưởng sơn mài Đông Sơn ở số 6 Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM) để xin phụ việc, học thêm. Xưởng này do linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp đề xướng, với sự tham gia của một số họa sư, trong đó có Nguyễn Gia Trí, hoạt động từ 1978 đến 1989.

Với sự tháo vát và kinh nghiệm mỹ thuật sẵn có, Hoàng Vượng học, nắm vấn đề khá nhanh chóng, nên dần dần được thầy Trí tin tưởng, giao cho nhiều khâu khó hoặc quan trọng trong sơn mài.

Vợ chồng nhà sưu tập Dương Đức Dũng (bìa trái và phải) với họa sĩ Hoàng Vượng (ngồi) cùng con trai của ông

“Tuổi trẻ còn chút háo thắng, luôn muốn chứng minh mình giỏi, nên tôi đã làm rất nhanh, vượt mức đề ra. Có lần làm một bức lớn, tưởng thầy Trí sẽ rất hài lòng, nhưng khi thầy thẩm định lại, nói bỏ đi, làm bức khác. Lúc ấy tôi buồn lắm, tính nghỉ việc luôn, nhưng rồi nghĩ lại, mình ăn cơm thầy, học nghề, phụ việc, mà còn được thầy trả lương nữa, sao lại tự ái. Thế là từ đó tôi tập trung làm cho đẹp hơn, đạt hơn” – họa sĩ Hoàng Vượng kể.

Trong xưởng vẽ của Nguyễn Gia Trí, nhiều lúc có đến 14-15 người phụ việc, trong này luôn có 2-3 họa sĩ trẻ. Họ đi làm để có thêm thu nhập thì đã rõ, nhưng làm để được nghe thầy Trí chỉ dẫn thêm về kỹ thuật, quan niệm và thẩm mỹ sơn mài mới là mục đích chính.

Hoàng Vượng kể thêm: “Năm 1968, tôi vào học dự bị hội họa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, được học thủy mặc với danh họa Đới Ngoan Quân (戴頑君,1913 – 2003), nhiều nơi đọc tên ông thành Đới Ngoạn Quân. Hai nền tảng nho nhỏ này đã được thầy Trí khơi gợi, gia cố thêm quan niệm, nên tôi tiến bộ và vững vàng hơn rất nhiều. Thầy Trí cả đời làm sơn mài nhưng khá am hiểu về các bộ môn khác, đặt biệt là cách áp dụng tinh thần Đông phương vào kỹ thuật hội họa Tây phương”.

Bức “Chim vịt kêu chiều” (sơn mài, 80x120cm) đang hoàn thiện của Hoàng Vượng

Trong một chia sẻ với học trò ngày 4/5/1979, Nguyễn Gia Trí nói: “Với trừu tượng, chữ Hán là một thứ trừu tượng. Người Á Đông đi thẳng vào trừu tượng, và là người đi trước”. Đến ngày 29/4/1980, Nguyễn Gia Trí nhắc lại: “Bắt đầu vẽ sơn mài là đã vẽ trừu tượng rồi. Vì nó không thực như ngoài đời. Họa sĩ sơn mài nhìn vào tâm bên trong, chứ không nhìn vào cái vỏ bên ngoài của sự vật”.

Cơ duyên được sở hữu tranh thầy

“Thầy cẩn thận lắm, thấy bức nào có thể đạt chất lượng rồi thì mới ký tên chìm để học trò hoàn thiện thêm bề mặt. Bức nào không đạt thì phá bỏ, không giao cho khách. Khi thầy sắp mất thì ký tên vào chừng 8-9 bức tranh biểu hình gần như đã hoàn thành, chỉ chờ lên nước và đánh bóng, cùng một số tranh trừu tượng. Thầy mê vẽ trừu tượng lắm, vì thầy nói trừu tượng nó gần với lòng của thầy hơn cả” – Hoàng Vượng chia sẻ.

Bức trừu tượng nền đỏ, hiện thuộc sưu tập của Dương Đức Dũng

Cuối thập niên 1980, Hoàng Vượng và một số học trò, phụ việc thân cận khác được thầy Trí kêu về xưởng vẽ tại nhà làm việc. Lúc thầy Trí bệnh, ít nhận tranh mới, chỉ hoàn tất các tranh dang dở, nên chỉ còn Hoàng Vượng và một hai phụ việc đến làm.

Hoàng Vượng kể: “Khi thầy mất, gia cảnh thêm sa sút, rồi vài tranh cuối cùng không giao được cho khách nên cô Kim cũng gặp chút khó khăn về trả tiền cho thợ. Mà giai đoạn lúc này thì khách chủ yếu đặt tranh phong cảnh – thiếu nữ, chứ ít ai đặt tranh trừu tượng. Có lần tôi bạo miệng nói với cô, hay cô để em lấy vài tranh trừu tượng trừ tiền công. Cô Kim nói tranh có hình thì còn đáng giá, chứ trừu tượng thì đáng bao nhiêu mà trừ nợ, nhưng rồi thương học trò, cô cũng để cho tôi giữ tranh”.

“Giữ các tranh này gần 30 năm qua, đôi khi cũng có người hỏi mua, nhưng tôi không bán, vì muốn lưu giữ chút kỷ niệm với thầy. Mãi tới gần đây, vì tuổi cao sức yếu, vợ mất, sống một mình ở vùng ven thành phố, dù con cháu qua lại thường xuyên, nhưng cũng cảm thấy đã tới lúc không thể cất giữ mọi thứ” – ông nói thêm – “Một lần tình cờ, có mấy bạn trẻ tìm đến nhà thăm hỏi tôi, trong nhóm đi có vợ chồng Đức Dũng, làm kinh doanh, nhưng rất tha thiết với văn hóa nghệ thuật, lịch sử nước nhà. Sau vài lần nói chuyện, thấy Đức Dũng có tâm huyết và trong sáng, tôi nhường mấy tranh này lại cho Dũng lưu giữ”.

Bức trừu tượng nền vàng, hiện thuộc sưu tập của Dương Đức Dũng

Liên lạc với nhà sưu tập Dương Đức Dũng, hỏi anh nghĩ sao khi tình cờ sở hữu được một số tranh Nguyễn Gia Trí? Dương Đức Dũng trả lời: “Có nằm mơ thì tôi cũng không nghĩ mình sở hữu được tranh của Nguyễn Gia Trí, vì chúng tôi không kinh doanh trong lĩnh vực mỹ thuật, dễ gì mà tìm gặp được. Đây quả thật là một phước phần, một duyên lành. Tôi sẽ treo tranh ở vị trí trang trọng của gia đình, để những ai quan tâm thì có thể đến xem và uống trà. Gia đình tôi chưa nghĩ tới việc bán các tranh này”.

Ước mơ triển lãm cá nhân đầu tiên

Hoàng Vượng tiếc rằng bản thân không giữ được nhiều tác phẩm để làm triển lãm cá nhân đầu tiên. Nếu sức khỏe trở lại, ông sẽ hoàn thành thêm một số tranh sơn mài nữa, làm cuộc trưng bày nho nhỏ, như là lời tạm biệt với gia đình và bạn bè. “Tôi gần gũi thầy Trí, học được nhiều kỹ thuật và quan niệm hay, nhưng tranh tôi vẽ thì hoàn toàn khác thầy, nghĩ cũng lạ” – Hoàng Vượng tâm sự.

Nguồn: Văn Hóa Thể Thao: https://thethaovanhoa.vn/30-nam-ngay-mat-danh-hoa-nguyen-gia-tri-ky-2-gap-tro-la-nho-den-thay-20230613072257861.htm

 

30 năm ngày mất danh họa Nguyễn Gia Trí (kỳ 1): Nhìn phác thảo là thấy tác phẩm – Thể Thao và Văn Hóa

Năm 2023 là đúng 115 năm sinh và 30 năm mất của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 -20/6/1993). Trong di sản mà ông để lại, ngoài những tuyệt tác sơn mài, còn có những phác thảo xuất sắc, những người học trò yêu nghề và cả thái độ làm việc nghiêm cẩn. Xem lại những phác thảo cho sơn mài, có thể hình dung phần nào những bước chuẩn bị cho tác phẩm hoàn chỉnh của Nguyễn Gia Trí.

Để tưởng nhớ 30 năm ngày mất, Bình Minh Art Gallery tổ chức triển lãm bộ sưu tập Tranh giấy ký họa phác thảo của Nguyễn Gia Trí, bày hơn 50 tác phẩm. Chủ nhân của bộ sưu tập này là luật sư Trương Văn Thuận và NSƯT Ánh Tuyết, với hơn 25 năm gắn bó cùng gia đình họa sĩ Nguyễn Gia Tuệ – con trai của Nguyễn Gia Trí.

Khởi đầu của “sinh nở sáng tạo”

Đến dự buổi khai mạc, Nguyễn Gia Tuệ xúc động: “Nhiều phác thảo ở đây được ông cụ vẽ khi tôi còn khá nhỏ, nhưng vì chúng ở lại trong gia đình quá nhiều năm, được ông cụ nhiều lần đem ra nghiên cứu, so sánh khi làm tác phẩm mới, nên thấm vào tôi rất sâu. Nhiều bức vẽ đã đi vào các tuyệt phẩm sơn mài của ông. Được gặp lại những phác thảo, ký họa ở đây tôi như được gặp lại cha của mình, thật sự hạnh phúc”.

Họa sĩ Nguyễn Gia Tuệ phát biểu tại triển lãm “Tranh giấy ký họa phác thảo”

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, sau khi xuất ngũ bộ đội thì tìm đến xin thọ giáo Nguyễn Gia Trí về sơn mài nói chung và kỹ thuật sơn ta nói riêng. Trong khoảng 17 năm được học hỏi, làm việc cùng thầy Trí, Nguyễn Xuân Việt không chỉ lắng nghe lời dạy, mà còn ghi chép cẩn thận lời thấy nói. Nguyễn Gia Trí là người rất kiệm lời, khi thấy trò làm không được chỉ lắc đầu và nói hãy làm lại, với vài lời hướng dẫn ngắn gọn.

Ông Việt kể: “Suốt 17 năm đó, tôi chỉ nghe thầy nói một lần câu này: “Tôi sáng tác bằng tâm linh”. Nói ít là vậy, nhưng thầy luôn sống và sáng tác với quan niệm này. Thầy cũng nói: “Cái đẹp của một tác phẩm nghệ thuật, thấy thì tự thấy, nếu không thấy, dù có giải thích trăm ngàn lần cũng không thấy”.

Một góc triển lãm “Tranh giấy ký họa phác thảo”

Khi đến xem triển lãm Tranh giấy ký họa phác thảo, Nguyễn Xuân Việt chia sẻ: “Vào phòng trưng bày này, người yêu cái đẹp sẽ thấy mỗi bức phác thảo luôn ẩn chứa sự khởi đầu của sinh nở sáng tạo. Chiêm ngưỡng những phác thảo, những bản thảo đó, tâm hồn chúng ta như gặp tâm hồn danh họa, như gặp sự tĩnh lặng, gặp sự lay động, sự giải thoát trong từng tác phẩm”.

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cho biết việc ông sở hữu các phác thảo, ký họa này khá tình cờ, lúc còn chưa nghỉ hưu. “Nói thật lòng thì tôi có ước muốn sở hữu một vài tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, nhưng điều này là quá khó, nhiều khi có tiền cũng không mua được, vì chưa đủ duyên. Từ niềm yêu thích đó, tôi cứ nhẩn nha sưu tập các phác thảo, ký họa như một nhịp cầu để đến gần hơn danh họa mà mình ngưỡng mộ. Sau mấy chục năm, nhìn lại thấy có cả trăm bức, nên thi thoảng chọn ra trưng bày. Gần như giỗ Nguyễn Gia Trí năm nào thì vợ chồng tôi cũng đến thắp nhang, vì gần gũi như vậy, nên nhờ gia đình Nguyễn Gia Tuệ, khi biết ở đâu có phác thảo, ký họa, chúng tôi lại tìm đến xem”.

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận. Ảnh: Quỳnh Trần

“Không có thợ phụ là không được”

Với Nguyễn Gia Trí, trước khi kỹ thuật sơn mài được thể hiện, được thăng hoa, ông đã phải thực hiện rất nhiều bức phác thảo, qua nhiều bước, với nhiều chi tiết được tính toán kỹ lưỡng cả về ý tưởng, hình họa, màu sắc và bố cục.

Nguyễn Xuân Việt nói rằng, có lần thầy Nguyễn Gia Trí bảo vài học trò: “Bản thảo giống như sơ đồ kiến trúc của công trình vậy, càng chính xác càng tốt”. Vì sau 4 – 5 tháng là tranh đã cứng như đá, nếu phác thảo, bản thảo không chính xác thì khó mà sửa, khó mà vẽ tiếp, chưa nói vẽ thật mượt mà, uyển chuyển”.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, học trò của danh họa Nguyễn Gia Trí

Dù quan niệm “làm sơn mài như là tù khổ sai”, nhưng Nguyễn Gia Trí luôn là bậc thầy của sự uyển chuyển. Nhiều bức ông làm vài năm mới xong, thậm chí có bức làm cả chục năm, nhưng vẫn giữ được sự uyển chuyển này – đây là điều rất khó với sơn mài. Ông làm được là vì các bước chuẩn bị, trong đó các phác thảo, cũng như các bước thực hiện đều rất chỉn chu. Ngay cả các tranh cách tân thì cũng xuất phát các kỹ thuật bài bản, các quy tắc, các thẩm mỹ của chính sơn mài.

Những lúc cao điểm, Nguyễn Gia Trí có hơn 10 thợ phụ và 4 – 5 học trò thân cận để giúp hoàn thiện tác phẩm. Ông ra phác thảo, ra nét và giám sát cả quá trình thực hiện, theo dõi từng bước, nếu chỗ nào chưa ưng ý, chưa đạt thì cạo bỏ, làm lại.

“Ông cụ làm việc như công chức vậy, đúng giờ là ra xưởng làm, hết giờ là về, rất chăm chỉ và đặt ra yêu cầu rất cao” – Nguyễn Gia Tuệ kể.

“Vợ chồng thầy rất thương học trò và thợ phụ, cơm nước và lương bổng lúc nào cũng chu đáo, vì thầy nói rằng sơn mài quá nặng nhọc, nhiều công đoạn, không có thợ phụ là không được. Đặc biệt với những tranh khổ lớn, nếu một mình làm thì mất quá nhiều thời gian, công sức, khó giữ được cái cảm xúc ban đầu” – họa sĩ Nguyễn Xuân Việt kể.

 

“Vẽ khéo quá, thì chậm phát triển”

Trong sách Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, do Nguyễn Xuân Việt thực hiện, ngày 1/8/1980, Nguyễn Gia Trí nói: “Vì tôi làm việc bị lỗi lầm nhiều nên mới tiến bộ. Còn vẽ khéo quá, thì chậm phát triển.

Nếu không có cụ I và bác phó Thành (*) thì cũng không có sơn mài của tôi. Công đức của cụ I lớn lắm.

Ngày xưa khi thấy tôi làm sơn mài, cụ I là họa sĩ sơn dầu không sao hiểu được vấn đề “thời gian” trong cách vẽ sơn mài. Cụ rất thích sơn mài, rất muốn vẽ thử, nhưng cứ mỗi lần cụ nhìn thấy sơn ta nó lại “ăn” cụ, nên đành phải thôi.

Mỗi bức tranh sơn mài, là tự mình đề ra một bài học để giải quyết: nét, độ chuyển của nét, thay đổi màu nền, đen trên son, đỏ trên đen, đen trên bạc…

Hội họa gần với tôn giáo vì nó xuất phát từ tâm người ta. Nó không phải làm bằng óc hoặc bằng tay. Phải làm nhiều. Tập điều khiển sơn mài. Chú ý đến những biến chuyển đậm nhạt của chi tiết nhỏ trên tranh.

Mỗi họa sĩ là một thế giới riêng biệt, không ai hiểu hết mình được”.

(*) Cụ I mà Nguyễn Gia Trí đề cập ở đây chính là họa sĩ Joseph Inguimberty (1896-1971), giảng dạy Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngay khóa dầu tiên. Còn phó Thành tức là nghệ nhân sơn mài Ðinh Văn Thành (1898-1977).

* Nguồn: Thể Thao và Văn Hóa: https://thethaovanhoa.vn/30-nam-ngay-mat-danh-hoa-nguyen-gia-tri-ky-1-nhin-phac-thao-la-thay-tac-pham-2023061206093684.htm

0916554329

X
error: Thông báo: Nội dung có bản quyền từ Bình Minh Art !!