42 tác phẩm hội họa trong “Hồn thơ – Lụa – Sơn mài”

(CAO) Mang đến thêm hoạt động nghệ thuật cho TPHCM sau thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, triển lãm tranh “Hồn thơ – Lụa – Sơn Mài” diễn ra tại Bình Minh Art Gallery từ 8/1 đến 22/1.

Chương trình trưng bày 22 bức tranh sơn mài của hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt và 20 bức tranh lụa, sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga.

Đến dự buổi khai mạc tại Bình Minh Art Gallery (đường Ngô Thời Nhiệm, Q3, TPHCM) có họa sĩ Lê Xuân Chiểu, Phó Chủ tịch Hội Mỹ Thuật TPHCM, NSND Kim Xuân, các văn nghệ sĩ, nhà sưu tập…

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt học hội họa tại Trường Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1966. Ông đi bộ đội ở chiến trường miền Nam từ 1968 đến 1975.

Năm 1975, ông được gặp và học nghệ thuật hội họa với danh họa Nguyễn Gia Trí. Đầu năm 1990, Nguyễn Xuân Việt được họa sĩ Nguyễn Gia Trí giao cho thực hiện những công việc cuối cùng để hoàn thành bức tranh nổi tiếng Vườn Xuân Trung Nam Bắc. Ông từng triển  tranh tại Bulgary, Matxcova, Paris.

Nguyễn Xuân Việt đã từng mở lớp dạy sơn mài cho 10 họa sĩ Thái Lan ở trường Đại học Mỹ thuật Sipakorn, Bangkok. Tranh của Nguyễn Xuân Việt xuất hiện trong nhiều bộ sưu tập cá nhân của các nhà sưu tập trong và ngoài nước.

“Có thể nói, Nguyễn Xuân Việt là một học trò xuất sắc của Nguyễn Gia Trí, bởi vì không những ông học được nghệ thuật sơn mài mà còn học được phong cách sống và làm việc của Nguyễn Gia Trí. Chính ông là người đã ghi chép, biên tập lại những câu nói thường ngày mà thật bất hủ của Nguyễn Gia Trí thành cuốn sách Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo đã được tái bản lần thứ ba”, nhà sưu tập Trương Văn Thuận nhận định.

Họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga sinh năm 1961 tại Sài Gòn. Bà tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa nhưng lại gắn bó với hội họa khi kết hôn với họa sĩ Nguyễn Xuân Việt.

Sự nghiệp hội họa của bà khởi đầu bằng các công việc của người thợ sơn mài, dần dà bà học vẽ và vẽ nhiều đề tài với tất cả các loại chất liệu. Bà từng tham gia triển lãm toàn quốc và nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm ở Thái Lan và ở TPHCM.

 

Hoài Giang

Nguồn: https://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/42-tac-pham-hoi-hoa-trong-hon-tho-lua-son-mai_125717.html

Cuộc đời thăng trầm của người đệ tử danh họa

PNO – Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt, học trò của danh hoạ Nguyễn Gia Trí nói cuộc đời cũng như hội hoạ của ông trải qua nhiều thăng trầm, phần lớn vì chuyện cơm, áo, gạo tiền.

Tại triển lãm Hồn thơ lụa – sơn mài của mình và vợ, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt tâm tư nhiều về cuộc đời và con đường hội hoạ của mình. Ông nói ngày đầu theo nghề vẽ, ông đến nhà của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí để học. Vừa bước vào nhà, bà Nguyễn Thị Kim – vợ của danh hoạ Nguyễn Gia Trí nói ngay rằng: “Học làm chi cái nghề chết đói này!”.

Giai đoạn đó, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt không thật sự hiểu về câu nói của bà Kim nhưng về sau, qua nhiều năm theo đuổi đam mê, ông thấm từng chữ. “Cuộc đời tôi trải nhiều thăng trầm nhưng không phải vì ai khác bên ngoài hay thời cuộc tác động mà chính từ cuộc sống cá nhân mình. Tôi đam mê hội hoạ nhưng mình còn gia đình, còn nhiệm vụ phải lo toan mưu sinh nên nhiều lúc làm nghề không thanh thoát được. Có lúc rất chậm, nặng nề, có lúc vui vẻ nhưng quan trọng, là chưa bao giờ tôi ngừng lại”, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt nói.

Người xem tại triển lãm Hồn thơ lụa – sơn mài.

Sinh ra trong gia đình đông anh em nên chuyện theo đuổi nghề vẽ đòi hỏi hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt phải nỗ lực lớn. Cho đến khi về chung một nhà với họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, cuộc sống tiếp tục đặt ra nhiều thử thách mới, nhưng hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt tâm niệm, ai theo nghệ thuật cũng có những khó khăn nhất định mà nếu vượt qua hay chí ít là “sống chung” được thì chắc chắn, cuộc đời vẫn nhiều niềm vui.

Tại triển lãm chung với vợ – họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, cả hai mang đến 40 tranh vẽ chất liệu chính gồm sơn mài và lụa. Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt theo đuổi sơn mài truyền thống suốt mấy mươi năm qua. Còn vợ ông định danh mình với các bức vẽ trên lụa. Theo chia sẻ của hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt, ông là người đã hướng dẫn vợ đến với hội hoạ nhưng hiếm khi nào bà nhận mình là “học trò” của ông chắc có lẽ vì “ngại hay tính ra bà cũng tự tìm tòi” – ông nói.

Hoạ sĩ Xuân Việt (phải) và hoạ sĩ Lê Đại Chúc tại không gian triển lãm.

Suốt nhiều năm qua, hai vợ chồng hoạ sĩ Xuân Việt và Bích Nga cùng xuất hiện trong nhiều triển lãm cả trong và ngoài nước. Cả hai đều được nhìn nhận về năng lực riêng, không phụ thuộc vào nhau. Riêng với hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt, dù là học trò chân truyền của danh hoạ Nguyễn Gia Trí trong suốt 17 năm nhưng theo nhận xét của hoạ sĩ Lê Đại Chúc, phong cách của hoạ sĩ Xuân Việt khác biệt, không bị ảnh hưởng.

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM, hoạ sĩ Lê Đại Chúc nói: “Trong làng hội họa, hiếm có ai theo đuổi và đi đến tận cùng đam mê như hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt. Tôi yêu quý, kính trọng sức lao động và nhân cách của nam hoạ sĩ. Và dù là học trò của danh hoạ Nguyễn Gia Trí lừng lẫy nhưng tôi thấy hoạ sĩ Xuân Việt có phong cách, bút hoạ riêng vừa không bị ảnh hưởng từ thầy, vừa khác biệt so với những hoạ sĩ cũng theo đuổi sơn mài truyền thống khác”.

Bức sơn mài Đền Quán Thánh của hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt.

Ngoài việc sáng tác, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt còn tham gia giảng dạy cho nhiều học trò. Ông thường sang Thái, dạy các khoá về sơn mài cơ bản. Ông cho biết, nhiều hoạ sĩ các nước thích sơn mài Việt Nam nhưng sau khi học, họ không đủ kiên trì để theo đuổi.

Tại triển lãm Hồn thơ lụa – sơn mài, những tác phẩm ấn tượng của hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt và vợ được trưng bày lại. Đa phần, chúng được sáng tác trước đây, không phải mới hoàn thành. Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt nói trong đợt dịch vừa qua, khi nhiều hoạ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm, ông lại không hoàn thành được bức nào.

2 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga.

“Vì dịch bệnh, thợ của tôi hầu như nghỉ hết, có nhiều bức không thể hoàn thành. Thời điểm giãn cách xã hội, tâm không được bình an, không có cảm giác thư thả nên không thực hiện được bức tranh nào. Tôi sáng tác thường, không nghỉ quá lâu nhưng phải lúc lòng không vướng bận mới làm được”, nam hoạ sĩ chia sẻ.

Triển lãm Hồn thơ lụa – sơn mài đang diễn ra tại phòng tranh Bình Minh (29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TPHCM). Triển lãm kéo dài đến ngày 22/1.

Diễm Mi

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/cuoc-doi-thang-tram-cua-nguoi-de-tu-danh-hoa-a1454847.html

Triển lãm mỹ thuật “Hồn thơ” tại Bình Minh Art Gallery

(VOH) – Ngày 8/1/2022, tại Bình Minh Art Gallery đã diễn ra buổi khai mạc triển lãm tranh mang tên “Hồn thơ – Lụa – Sơn mài” của vợ chồng họa sĩ Nguyễn Xuân Việt và Nguyễn Thị Bích Nga.

Triển lãm mỹ thuật “Hồn thơ – Lụa – Sơn mài” trưng bày 22 tác phẩm tranh sơn mài khổ vừa và nhỏ của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, 18 tranh lụa và 2 tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga.

Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt, sinh năm 1949 tại Thái Lan. Ông là một trong những học trò xuất sắc của danh họa Nguyễn Gia Trí – một trong những huyền thoại của mỹ thuật Việt Nam nói chung và dòng tranh sơn mài nói riêng. Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt cũng là người góp phần hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của tác phẩm sơn mài nổi tiếng “Vườn xuân Trung Nam Bắc” – một trong những bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt không chỉ học được nghệ thuật sơn mài mà còn học được phong cách sống và làm việc của danh họa Nguyễn Gia Trí. Chính ông là người đã ghi chép, biên tập lại những câu nói thường ngày nhưng bất hủ của Nguyễn Gia Trí thành cuốn sách “Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo” đã được tái bản lần thứ 3.

Trong sự nghiệp mỹ thuật, họa sĩ Xuân Việt cũng từng tham gia nhiều triển lãm ở trong nước và quốc tế. Các tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bộ sưu tập cả ở trong và ngoài nước.

Tác phẩm “Hàng Mành” của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Tác phẩm “Người Khmer đi chợ” của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Một số tác phẩm sơn mài khác của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt tại triển lãm

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, sinh năm 1961 tại Sài Gòn. Bà tốt nghiệp Đại học Bách Khoa nhưng lại gắn bó với hội họa khi kết hôn cùng họa sĩ Nguyễn Xuân Việt. Các tác phẩm sơn dầu và lụa của bà tại triển lãm “Hồn thơ” thể hiện rõ sự nữ tính, mềm mại và bay bổng. Tuy có đến hàng chục bức tranh về hoa cùng xuất hiện tại triển lãm nhưng mỗi bức đều mang một cung bậc cảm xúc và vẻ đẹp khác nhau. Nếu có điểm gì giống nhau, thì đó chính là cái tình của người nghệ sĩ đã được thể hiện rất rõ nét.

Không chỉ vậy, các sáng tác bằng chất liệu sơn mài, lụa và sơn dầu của cặp đôi họa sĩ còn dựa trên cảm hứng về những địa danh quen thuộc đối với người con đất Bắc như các tác phẩm “Hàng Mành”, “Phố Tô Tịch” hoặc phác họa một chút về đời sống, không gian sinh hoạt của người Khmer như tác phẩm “Người Khmer đi chợ”. Tất cả được thể hiện nhẹ nhàng, yên bình nhưng cũng thật rộn rã, hân hoan về một cuộc sống tươi đẹp, đầy màu sắc.

Một số tác phẩm trong bộ sưu tập “Hoa” của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga:

Đến với triển lãm, người xem sẽ được đắm mình vào không gian nghệ thuật độc đáo và đầy cảm xúc tại Bình Minh Art Gallery. Đây là nơi trưng bày thường xuyên các tác phẩm được nhà sưu tập Trương Văn Thuận sưu tầm trực tiếp từ nhiều thế hệ họa sĩ gạo cội, tài năng của Việt Nam và là địa chỉ kết nối, giao lưu mỹ thuật uy tín, nổi bật của thành phố.

Ngoài ra, theo nhà sưu tập Trương Văn Thuận, triển lãm cũng là món quà chào mừng năm mới, góp phần vào không khí nghệ thuật sôi nổi của những ngày đầu năm sau nhiều tháng im ắng vì đại dịch.

Họa sĩ Lê Xuân Chiểu – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm.

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận và NSƯT Ánh Tuyết đã thành lập Bình Minh Art Gallery như một địa chỉ giao lưu, kết nối mỹ thuật nổi bật của TPHCM.

Một góc không gian triển lãm “Hồn thơ – Lụa – Sơn mài” tại Bình Minh Art Gallery

Triển lãm “Hồn thơ – Lụa – Sơn mài” diễn ra từ ngày 8/1 đến ngày 22/1/2022 tại Bình Minh Art Gallery – số 29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3.

 

Tin, ảnh: Du Yên

Nguồn: https://voh.com.vn/van-hoa/trien-lam-my-thuat-hon-tho-tai-binh-minh-art-gallery-423487.html

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt và cuộc giao duyên nghệ thuật Việt Nam – Thái Lan

TTO – Tranh của Nguyễn Xuân Việt cũng giống như cuộc đời ông, cứ mãi bước trên lằn ranh giữa hai quê hương, hai đất nước và hai bầu tâm sự.

 

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt bên bức Chân dung Mặt Người – Ảnh: Mai Thụy

Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt sinh ra ở Thái Lan. Cha mẹ ông là người Việt nhưng đã di cư sang Thái Lan từ năm 1945 để lập nghiệp sau khi nhà cửa bị giặc Pháp tàn phá. Cái tên Nguyễn Xuân Việt đã được đặt trong một nỗi nhung nhớ cố hương xen lẫn ước mơ thầm kín của gia đình.

Một mình quay trở lại Việt Nam năm 13 tuổi, Nguyễn Xuân Việt đi lính, học vẽ rồi trở thành học trò chân truyền của danh họa Nguyễn Gia Trí trong suốt 17 năm.

Là con trai trưởng của một gia đình 8 anh em nheo nhóc, Nguyễn Xuân Việt đã phải rất dũng cảm để bước theo nghề vẽ. “Ngày đầu tiên đến nhà họa sĩ Nguyễn Gia Trí để theo học, vợ cụ, bà Nguyễn Thị Kim, đã nói với tôi rằng ‘học làm gì cái nghề chết đói này!’. Tôi biết câu nói đó đau lắm, đau cho chồng bà mà cũng đau cho chính tôi nữa, một thanh niên mới hai mươi mấy tuổi đầu” – họa sĩ Nguyễn Xuân Việt nhớ lại.

Vậy mà ông vẫn theo nghề, bám trụ với sơn mài truyền thống đến tận hôm nay. Theo học họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông Nguyễn Xuân Việt đã được thụ đắc cả kỹ thuật vẽ lẫn những quan điểm về hội họa và sự sáng tạo. Tinh thần dân tộc thấm đẫm tình yêu giống nòi của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẫn có thể được bắt gặp trong màu sắc trữ tình của Nguyễn Xuân Việt và trong những chủ đề quê hương dung dị.

Tác phẩm Hoa sen đêm trăng của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Sinh ra ở Thái Lan và đi đi về về giữa hai đất nước, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt đã kết tinh văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên ở cả hai vùng đất vào tranh mình. 

Ông thích vẽ sen trắng, những ngôi nhà đậm hồn phố xá Hà Nội, chân dung người Khmer và ông cũng tìm thấy tâm tình bình yên ở những đền đài cổ.

Tác phẩm Người Khmer đi chợ của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Vợ ông, họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga là một người chuyên vẽ lụa. Bà tự học và được chồng hướng dẫn, không thông qua trường lớp. 

Tranh của họa sĩ Bích Nga mang âm hưởng của danh họa Nguyễn Phan Chánh, gợi về hình ảnh nông thôn Việt Nam yên bình hoặc những tĩnh vật hoa, lá thanh thoát.

Tác phẩm Trẻ con chợi của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga

Từ ngày 8 đến 22-1, hai vợ chồng họa sĩ Nguyễn Xuân Việt mở triển lãm đôi mang tên Hồn thơ lụa – sơn mài tại phòng tranh Bình Minh (29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP.HCM) với 40 tranh được trưng bày. 

Tham dự triển lãm, khán giả cũng được thưởng thức những tác phẩm hiếm của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt thuộc sở hữu của nhà sưu tập Trương Văn Thuận.

 

Truyền nghề sơn mài sang các nước bạn

Không chỉ dừng lại ở vẽ tranh, Nguyễn Xuân Việt còn truyền nghề sơn mài sang các nước bạn. Càng tự hào về sơn mài truyền thống, ông càng muốn nhiều người nước ngoài biết đến một chất liệu mỹ thuật độc đáo của quê hương. Cách đây không lâu, họa sĩ đã có chuyến thỉnh giảng tại Đại học Silpakorn ở Bangkok, Thái Lan.

“Người nước ngoài rất muốn học sơn mài Việt Nam vì họ thấy được vẻ đẹp của chúng trong các tác phẩm. Tôi đã từng dạy nhiều người Thái Lan, Trung Quốc… nhưng tiếc là không ai theo nghề được cũng bởi kỹ thuật sơn mài đòi hỏi sự nhẫn nại rất lớn, học chục năm chưa chắc thuần thục” – ông chia sẻ.

Điều đáng mừng là các nước trong khu vực vẫn luôn dành sự chú ý, ngưỡng mộ cho nghệ thuật sơn mài nước ta.

Tác phẩm Trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Tác phẩm Trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Tác phẩm Tĩnh vật của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Tác phẩm Phố Tô Lịch của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Tác phẩm Trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Tác phẩm Phố Hàng Mành của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Tác phẩm Ngõ Phát Lộc của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Tác phẩm Cây bồ đề của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga

Tác phẩm Hoa của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga

Tác phẩm Hoa của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Nga

 

MAI THỤY

Nguồn: https://tuoitre.vn/hoa-si-nguyen-xuan-viet-va-cuoc-giao-duyen-nghe-thuat-viet-nam-thai-lan-20220105093345841.htm

TRIỂN LÃM “HỒN THƠ – LỤA – SƠN MÀI” HS.Nguyễn Xuân Việt – HS.Nguyễn Thị Bích Nga

TRIỂN LÃM “HỒN THƠ – LỤA – SƠN MÀI”

Hồi 10 giờ ngày 08 tháng 01 năm 2022 tại Bình Minh art gallery (số 29A đường Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh) diễn ra khai mạc triển lãm tranh mang tên “Hồn thơ – Lụa – Sơn mài” trưng bày 22 bức tranh sơn mài (khổ vừa và nhỏ) của hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt và 20 bức tranh lụa, sơn dầu của hoạ sĩ Nguyễn Thị Bích Nga. Đây là triển lãm đầu tiên của năm 2022 tại Bình Minh art gallery. Tới dự buổi khai mạc có sự hiện diện của Hoạ sĩ Lê Xuân Chiểu – Phó Chủ tịch Hội Mỹ Thuật TP.Hồ Chí Minh, các Văn nghệ sĩ, Hoạ sĩ, Nhà sưu tập, người yêu hội hoạ, các phóng viên báo, đài của Trung ương và Thành phố…

Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt, sinh năm 1949 tại Thái Lan, năm 1963, khi mới 14 tuổi, ông đã cùng những Việt kiều yêu nước về Việt Nam theo lời kêu gọi của Chủ tich Hồ Chí Minh. Năm 1966 ông theo học Hội hoạ tại trường Mỹ thuật Việt Nam, nhưng năm 1968 ng phải rời ghế nhà trường tham gia quân ngũ; Năm 1975 ông lại được đơn vị quân đội cho đi học tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM và tốt nghiệp khoa Lụa của trường này.

Cái duyên với Sơn mài đã đến với ông khi ngày 01/6/1975 ông được gặp hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí; ban đầu, mỗi khi vẽ được bức tranh nào (ở trường cũng như ở nhà) ông đều đưa HS Nguyễn Gia Trí xem, góp ý, chỉ bảo; nhưng phải đến năm 1979 ông mới chính thức được theo học sơn mài và làm việc với Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí. Và cả đến hàng chục năm sau ông mới được Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí giao cho thực hiện những công việc cuối cùng để hoàn thành tác phẩm sơn mài “vườn xuân Trung – Nam – Bắc”.

Có thể nói, Nguyễn Xuân Việt là một học trò xuất sắc của Nguyễn Gia Trí, bởi vì không những ông học được nghệ thuật Sơn mài mà còn học được phong cách sống và làm việc của Nguyễn Gia Trí. Chính ông là người đã ghi chép, biên tập lại những câu nói thường ngày mà thật bất hủ của Nguyễn Gia Trí thành cuốn sách “Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo” đã được tái bản lần thứ 3.

Trong sự nghiệp Mỹ thuật, ông đã tham dự nhiều triển lãm ở trong nước và nước ngoài, tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bộ sưu tập trong và ngoài nước.

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Bích Nga, sinh năm 1961 tại Sài Gòn; năm 1983 bà tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa nhưng lại không theo nghề đã học mà gắn với Hội hoạ khi kết hôn với Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt.

Sự nghiệp hội hoạ của bà khởi đầu bằng các công việc của người thợ sơn mài, dần dà bà học vẽ và vẽ về nhiều đề tài với tất cả các loại chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa… Bà đã từng tham gia triển lãm Toàn quốc và nhiều triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm ở Thái Lan và ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Triển lãm “Hồn thơ – Lụa – Sơn mài” của hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt và hoạ sĩ Nguyễn Thị Bích Nga diễn ra từ ngày 08 đến 22/01/2022.

 

Nhà sưu tập, Luật sư Trương Văn Thuận.

Lấp lánh ‘Mùa xuân’ tại Bình Minh Art Gallery

Bình Minh Art Gallery là nơi trưng bày thường xuyên các tác phẩm được NST Trương Văn Thuận sưu tầm trực tiếp từ nhiều thế hệ họa sĩ gạo cội, tài năng của Việt Nam.
Từ 9/12 đến 25/12, Triển lãm “Mùa Xuân” của HS Hồ Hữu Thủ và HS Đặng Kim Long được diễn ra tại Bình Minh Art Gallery. Với rất nhiều tác phẩm từ các chất liệu khác
nhau: màu nước, sơn dầu, sơn mài cùng với những nét vẽ tinh tế, HS Hồ Hữu Thủ và HS Đặng Kim Long sẽ mang đến cho chúng ta những cảm nhận đẹp đẽ, sâu sắc,
lãng mạn …

Nguồn:https://video.voh.com.vn/tap-chi-my-thuat/lap-lanh-mua-xuan-tai-binh-minh-art-gallery-421865.html

Triển lãm tranh “Mùa Xuân” trưng bày tranh của HS Hồ Hữu Thủ và HS Đặng Kim Long tại Bình Minh art gallery đến hết ngày 25.12.2021

Cuộc song tấu ánh sáng của hai họa sĩ lão thành

 

 Từ trái sang: họa sĩ Hồ Hữu Thủ, nhà sưu tập Trương Văn Thuận và họa sĩ Đặng Kim Long đứng trước chân dung những thầy giáo khả kính của trường vẽ Gia Định – Ảnh: M.THỤY

TTO – Ở tuổi 80, họa sĩ Hồ Hữu Thủ sẽ lần đầu song tấu với họa sĩ Đặng Kim Long tại triển lãm Mùa xuân tại gallery Bình Minh (Q.3, TP.HCM).

“Thế này mới là sơn mài chứ!” – nhà sưu tập Trương Văn Thuận không giấu được xúc cảm tột bực khi ngắm bức tranh Bà Chúa của họa sĩ Hồ Hữu Thủ.

Công chúng đến triển lãm cũng sẽ được thưởng thức những tác phẩm của họa sĩ Hồ Hữu Thủ do nhà sưu tập Trương Văn Thuận sở hữu. Không chỉ riêng ông Trương Văn Thuận thấy thảng thốt khi đứng trước tác phẩm Bà Chúa và cũng không chỉ riêng bức ấy Hồ Hữu Thủ khiến khán giả của ông mê mẩn.

Hồ Hữu Thủ vốn nổi danh với sự sáng tạo và đào sâu không ngừng nghỉ. Không nhiều người ở tuổi như ông vẫn còn đủ sức khỏe để vẽ những bức sơn mài khổ lớn, ghép 3 tấm, ấy là chưa nói đến sự biểu đạt của tác phẩm đạt đến độ diệu vợi trong ánh sáng: khi tối, tối thăm thẳm với mảng tối rộng và hút. 

Còn khi sáng, chỉ nhả sáng một vài điểm xuyến, như cơ man nguồn sáng tụ lại ở cái chấm nhỏ đấy. Ông vẽ thân hình của thiếu nữ thật đẹp, phần lả lơi, phần đầy đặn vẻ nghiêm nghị pha sắc sảo. 40 bức tranh của Hồ Hữu Thủ tại triển lãm không nói lên hết sức sáng tác dồi dào của ông, vẽ như hơi thở.

Chính bởi tinh thần không ngừng khai phá con đường mới của họa sĩ Hồ Hữu Thủ, nhà báo Nguyễn Trọng Chức đã suy tôn ông như một “vị thuật sĩ của nghệ thuật sơn mài Việt”.

Đặng Kim Long mang số phận nghệ thuật luẩn quẩn lạ thường giữa mưu sinh và sáng tác. Ông đến với nghệ thuật trong cảnh nghèo túng và rồi phải tạm ngưng vẽ để làm việc kiếm sống.

Sau khi trở lại với thế giới hội họa từ năm 2000, họa sĩ Đặng Kim Long nối tiếp niềm say mê cầm cọ nhưng mãi cho đến khi sang Úc và nhờ nhân duyên, những tác phẩm của ông mới được công nhận. 

Năm 2017, ông trở thành thành viên và là chuyên gia danh dự của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia Nam Úc.

Dù mang đến triển lãm Mùa xuân 79 tác phẩm, họa sĩ Đặng Kim Long vẫn dành trọn tâm huyết của mình cho loạt tranh chân dung những nhà giáo khả kính của trường vẽ Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TP.HCM) như một sự tri ân chân thành. 

Từ những bậc thầy này, Đặng Kim Long đã được thọ giáo cả kỹ thuật lẫn phương pháp thẩm mỹ và đặc biệt là kỹ thuật nắm bắt ánh sáng.

Chính vì vậy, trong những bức sơn mài của ông, như tác phẩm Hội chùa, ánh sáng được rải ra trên bề mặt tranh, hòa với không khí rộn rã của ngày xuân. Hoặc ngay cả ở tranh màu nước, không gian mờ sương của Đà Lạt cũng được Đặng Kim Long pha vào nét trữ tình của kiến trúc, cỏ cây.

Triển lãm diễn ra đến ngày 25-12.

Nguồn: https://tuoitre.vn/cuoc-song-tau-anh-sang-cua-hai-hoa-si-lao-thanh-20211216090319513.htm

 

‘Mùa xuân’ đặc biệt của họa sĩ Đặng Kim Long

(Thethaovanhoa.vn) – Triển lãm tranh Mùa Xuân của hai họa sĩ lão thành Hồ Hữu Thủ (sinh 1940) và Đặng Kim Long (sinh năm 1955) khai mạc lúc 9h ngày 9/12 tại Bình Minh Art Gallery (29A Ngô Thời Nhiệm, TP.HCM).

Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Mã Thanh Cao về Đặng Kim Long, một họa sĩ mê vẽ từ nhỏ, cả đời làm nghệ thuật (Tựa đề và các tít phụ do chúng tôi đặt).

Đặng Kim Long hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, trang trí, kiến trúc, cũng là người đã đi và nhiều lần tham gia triển lãm mỹ thuật ở Úc. Nhưng dường như ông càng đi, càng hiểu nhiều nền văn hóa khác, thấu hiểu nhiều trường phái nghệ thuật, thì lại muốn quay về với những cảm xúc sâu lắng, mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt Nam.

Họa sĩ Đặng Kim Long

Đã có lúc thiếu tự tin

Trong triển lãm Mùa Xuân, Đặng Kim Long giới thiệu 79 tác phẩm, gồm 43 tranh màu nước, 24 tranh sơn dầu và 12 tranh sơn mài. Người xem sẽ được thưởng ngoạn những tác phẩm sáng tác gần đây, vẽ về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, duyên dáng. Vẽ những cảnh sắc quê hương hữu tình và khắc ghi hình ảnh những người thân, bạn bè, đồng nghiệp… theo nhiều xu hướng sáng tác khác nhau.

Sinh ra trong một gia đình chưa có ai hoạt động trong ngành nghệ thuật, từ nhỏ Đặng Kim Long đã tình cờ phát hiện niềm đam mê của mình qua những lần xem một người hàng xóm là sinh viên mỹ thuật vẽ. Rồi người thầy đầu tiên ấy đã dạy cho ông những gì có thể, để tự học thêm với niềm say mê đó.

Tác phẩm “Hội Xuân” (sơn mài, 122cm x 244cm, 2019) của Đặng Kim Long

Năm 1968, Đặng Kim Long thi vào Trường Quốc gia Trang trí mỹ thuật Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TP.HCM). Tại đây, ông đã được truyền thụ các kiến thức căn bản nhất để phát huy năng khiếu của mình. Trong những năm đó, tại Sài Gòn, nhiều nghệ sĩ, trong đó có các thầy dạy ông đã sáng tác theo một số xu hướng nghệ thuật mới trên thế giới như trừu tượng, dã thú, siêu thực, biểu hiện…. Điều đó đã khiến Đặng Kim Long có cơ sở để mạnh dạn sáng tác theo nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau.

Ra trường, ông cũng có lúc phải tạm ngưng hoạt động nghệ thuật, bởi nhiều lý do khác nhau. Ông tâm sự: “Chiến tranh, loạn lạc, rồi đói khổ, nên trên vai mình lúc nào cũng có gánh nặng mưu sinh, đứt đoạn việc vẽ, nhưng mà trong lòng thì không thể bỏ tranh và bỏ vẽ được”.

Rồi một thời gian dài ông đã làm việc tại Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM, cũng khá bận rộn, không có thời gian cho đam mê, nên sau này mới quay lại sáng tác. Đôi khi ông cảm thấy không tự tin. Người động viên và khuyến khích ông quay lại chính là họa sĩ Hồ Hữu Thủ – người mà ông luôn kính trọng như một người thầy.

Tác phẩm “Môi trường” (sơn mài, 80cm x 120cm, 1987) của Đặng Kim Long

Trải nghiệm với nhiều chất liệu

Từ năm 2000, Đặng Kim Long đã tham gia nhiều triển lãm cùng bạn bè, đồng nghiệp sau khi trở lại hoạt động một cách say mê. Hàng năm, ông tham gia nhiều trại sáng tác, các triển lãm tại của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TP.HCM và triển lãm nhóm cùng bạn bè.

Ngoài ra, từ năm 2015-2019, ông đã tổ chức một số triển lãm tại Úc và cũng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như Award of Merit cho hai tác phẩm Rainy Days và Wild & Free (2015), Award of Merit cho tác phẩm The Festive Season (2016), Highly Commended cho tác phẩm Adelaide Love (2017)…

Và năm 2017, Đặng Kim Long vinh dự được công nhận là thành viên của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia Nam Úc (Certificate for Associate Membership của Royal South Australian Society of Arts Inc). Cũng năm 2017, còn được nhận Diploma Of Fellowship chính thức, được vinh danh là chuyên gia danh dự của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia Nam Úc.

Cũng như bao nghệ sĩ khác, họa sĩ Đặng Kim Long đã nhiều lần băn khoăn về định hướng sáng tác của mình, nhiều đêm, ông ngồi trước cọ, toan, màu… rồi cứ vẽ – xóa không biết bao nhiêu lần để rồi trong gia tài hôm nay có nhiều xu hướng khác nhau. Ông cũng là người trải nghiệm với nhiều chất liệu hội họa, từ sơn mài truyền thống đến sơn dầu, màu nước. Mỗi chất liệu ông đều cố gắng phát huy thế mạnh của nó để thể hiện cảnh sắc những nơi ông đã đi qua, con người mà ông đã gặp.

Tác phẩm “Từ giã mùa Hè” (sơn dầu, 80cm x 160cm, 2012) của Đặng Kim Long

Một trong những mảng sáng tác nhiều của ông là tranh chân dung. Những người thầy, người thân, bạn bè đồng nghiệp trong tranh ông hiện lên một cách chân thực, mộc mạc và người xem còn cảm nhận được tình cảm yêu thương, kính trọng của người vẽ với người mẫu của mình. Chất liệu sơn mài đã được ông khai thác khả năng biểu đạt vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của những thiếu nữ Việt Nam, hoa sen và phong cảnh, nét hoài cổ với lối vẽ hiện thực, lãng mạn và trừu tượng.

Là người đã trải qua tuổi thơ và thanh xuân trong khó khăn, Đặng Kim Long là người luôn sẵn sàng chia sẻ với những cảnh đời khó khăn, nâng đỡ những đứa trẻ nghèo mà đam mê hội họa bằng những buổi dạy tận tâm hay cùng bạn bè tổ chức triển lãm từ thiện, số tiền thu được đã giúp đỡ những đứa trẻ phải mổ vì bị hở hàm ếch, nạn nhân chất độc da cam.

Hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là được sống với đam mê của mình suốt đời. Đặng Kim Long đang là con người như vậy và ông còn là người biết sẻ chia với mọi người những khó khăn, luôn trân trọng tình người và khá khiêm tốn trong cuộc sống đời thường. Triển lãm tại Bình Minh Art Gallery lần này cũng là sự tri ân của ông với thầy cô, bạn bè và tri ân cuộc đời.

Mã Thanh Cao

Tuần lễ trưng bày các tác phẩm của Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận – 100 mùa sen nở (1920 – 2020)

Triển lãm ‘Huỳnh Văn Thuận – 100 năm mùa sen nở’ diễn ra từ ngày 30/5 đến 5/6 tại số 63 Hàm Long, Hà Nội.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, một trong những họa sĩ tiêu biểu của nền Mỹ thuật Việt Nam, không chỉ được biết đến là người được Bác Hồ chọn làm huy hiệu chính thức cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sử dụng đến ngày nay. Nhắc tới Huỳnh Văn Thuận, người ta nhớ ngay đến nghệ thuật tranh sơn khắc, tới những bức tranh cổ động chất lượng đã để lại hàng loạt những dấu ấn cho mỹ thuật cách mạng nước nhà.

Khai mạc Tuần lễ trưng bày các tác phẩm của Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận – 100 mùa sen nở (1920 – 2020).

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong những họa sĩ chuyên sâu vào nghệ thuật tranh sơn khắc. Tranh của ông gắn bó với đời sống của người dân, với bố cục chặt chẽ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao.

Cùng với tranh sơn khắc, họa sĩ còn sáng tác nhiều tranh cổ động trong thời kỳ kháng chiến có chất lượng cao, góp phần vào thành tựu của nền mỹ thuật Việt Nam cách mạng và hiện đại.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam –  phát biểu tại lễ khai mạc. Họa sĩ Huy Oánh phát biểu tại lễ khai mạc. Nhà sưu tập Trương Văn Thuận phát biểu tại lễ khai mạc.

Đến với triển lãm “Huỳnh Văn Thuận – 100 năm mùa sen nở” là nơi trưng bày các tác phẩm hội họa của họa sĩ vẽ huy hiệu Đoàn, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Chương trình diễn ra từ ngày 30/5 đến 5/6 tại số 63 Hàm Long, Hà Nội đã phần nào giúp người yêu nghệ thuật hiểu thêm về họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, từ những bản phác thảo đầy tâm huyết.

Ông Nguyễn Sơn Trường cùng Nhà sưu tập Trương Văn Thuận.

Được biết các tác phẩm trưng bày tại triển lãm là một phần nhỏ tranh ký họa trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Đây cũng là nén tâm nhang của gia đình, đồng nghiệp và những người yêu mến họa sĩ tưởng nhớ ông./.

Theo Báo mới

Đôi điều về Triển lãm Mỹ thuật Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (18/04/1920-18/04/2020)

Hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong rất ít hoạ sĩ của Việt Nam được học và tốt nghiệp ở cả hai trường Mỹ thuật danh giá nhất Việt Nam do người Pháp sáng lập từ những năm đầu của Thế kỷ XX, đó là Trường vẽ Gia Định (được thành lập năm 1913 ở miền Nam) và trường Mỹ thuật Đông Dương (được thành lập năm 1925 ở miền Bắc). Ông cũng là một trong số rất ít hoạ sĩ đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở ngành Mỹ thuật, vừa tích cực hoạt động về lĩnh vực chính trị – xã hội, vừa khá thành công trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật.

Huỳnh Văn Thuận, kí hoạ phong cảnh, chì, 16×24.5 cm, 1983

Được biết đến và thành công ở nhiều thể loại tranh khác nhau (tranh cổ động, tranh khắc gỗ, tranh biếm hoạ và đặc biệt là tranh sơn khắc, …), đặc biệt với tác phẩm sơn khắc “Thôn Vĩnh Mốc” hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận đã để lại cho đời và lịch sử Mỹ thuật Việt Nam một kiệt tác còn mãi với thời gian. Chúng tôi cùng nhiều nhà phê bình mỹ thuật và quí vị yêu nghệ thuật sẽ đồng cảm với tâm sự của anh Huỳnh Lê Tuấn (con trai hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận) “Tranh sơn khắc của Huỳnh Văn Thuận đã dịch chuyển không còn “Salon” nữa mà thấm đẫm không khí con người lao động, sản xuất, chiến đấu, phong cảnh bình dị của cỏ cây, hoa lá, của non sông đất nước Việt Nam”.
Nhưng, rất ít người biết, để thành công ở nhiều thể loại trên, hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận đã rất cần mẫn trong lao động nghệ thuật với mảng tranh ký hoạ (hầu hết bằng bút chì, mực nho, bột màu, thuốc nước…) để ghi chép lại những tư liệu “lịch sử” ở những nơi hoạ sĩ đã đi qua, đã sống, đã lao động và chiến đấu cùng đồng bào, đồng chí. Những ký hoạ của ông đã để lại dấu ấn mang giá trị nghệ thuật cùng với thời gian tại nhiều thời khắc và giai đoạn lịch sử khác nhau: trong kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 ở miền Bắc, tại địa đạo Vĩnh Linh, trên đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ và cả thời gian sau năm 1975.

Huỳnh Văn Thuận, chì, 21 x 24.5 cm, 1944

Nhân vật trong tranh của ông là những con người rất bình dị, đó là anh Vệ quốc đoàn, là anh bộ đội, là nữ dân quân, là anh du kích, là lão nông dân, là các mế, các chị, là những thanh, thiếu niên,… Ông vẽ những cảnh sinh hoạt rất đời thường của con người… (thổi cơm, học hát, chơi đàn, đọc báo, diễn tập, lau súng, ngắm bắn, thu giữ và phân phối chiến lợi phẩm, quan sát giặc, …); những phong cảnh quê hương đất nước, cảnh lao động sản xuất, sự ác liệt tàn phá của chiến tranh…
Có thể nói, cùng với tranh sơn khắc, tranh cổ động, thì những ký họa chì…đã định vị tên tuổi Huỳnh Văn Thuận trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Như lời của Nguyên chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương: “Cuộc sống và sáng tác của ông là một tấm gương, một nhân cách của người nghệ sĩ chân chính được giới Mỹ thuật Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao”. Nhà phê bình Mỹ thuật, họa sĩ Quang Việt cũng nhận xét: “Đối với ông, tranh vẽ bằng bút chì là những tác phẩm đích thực có thể lập nghiệp cho một họa sĩ. Vả lại, cùng với thuốc nước, cây bút chì cũng rất phù hợp với sở thích vẽ và bố cục tại chỗ trước cảnh thực, việc thực, người thực của ông”.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận, Bình Minh Art Gallery cùng Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang và anh Huỳnh Lê Tuấn (con trai của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận) phối hợp tổ chức cuộc “triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận” với một phần tranh ký hoạ chì trong bộ sưu tập của Bình Minh Art Gallery và Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang.

Huỳnh Văn Thuận, chì, 16 x 25 cm

Thiết nghĩ, Văn là người và tranh cũng là người… Hãy để những kí họa chì này của họa sĩ như một sự đối thoại da diết… với đồng nghiệp và công chúng thưởng ngoạn. Qua Triển lãm này, Bình Minh Art Gallery và Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang mong muốn giới thiệu đến các đồng nghiệp, các nhà sưu tập, nhà đầu tư nghệ thuật và công chúng yêu Mỹ thuật một phần rất nhỏ tranh ký họa trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận, đây cũng là “nén tâm nhang” để tưởng nhớ hương hồn ông.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Hội Mỹ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh – triển lãm đã động viên hỗ trợ, cảm ơn nhà đấu giá Nghệ thuật “Chọn” đã tài trợ và là địa chỉ đáng tin cậy cho cuộc triển lãm mang nhiều ý nghĩa này. Chúc các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, các Nhà sưu tập, Nhà đầu tư nghệ thuật và công chúng yêu nghệ thuật đến với triển lãm này sức khỏe, hạnh phúc, thành công!

Hà Nội, Tháng 02 năm 2020
Nhà sưu tập Nghệ thuật, Luật sư Trương Văn Thuận

Trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ” và bộ sưu tập tranh chân dung Nghệ sĩ Cải lương của Họa sĩ Trương Văn Ý”

Ngày 22/11/2019, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và nhà sưu tập Trương Văn Thuận tổ chức trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ” và trưng bày bộ sưu tập tranh chân dung nghệ sĩ cải lương của họa sĩ Trương Văn Ý. 

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.

Ban tổ chức giới thiệu đến công chúng 260 tư liệu, hình ảnh, tranh, hiện vật liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương Nam Bộ. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Vĩnh Long trưng bày bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập Trương Văn Thuận với 80 bức chân dung nghệ sĩ cải lương bằng chất liệu sơn dầu do họa sĩ Trương Văn Ý thực hiện. 

Các hình ảnh, hiện vật… giúp công chúng hiểu rõ hơn về nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh, với những tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương được chọn lọc trưng bày giúp công chúng tìm hiểu, khám phá nét hay và cảm nhận sâu sắc về di sản âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Thông qua hoạt động trưng bày chuyên đề nhằm tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ đã có nhiều công lao đóng góp cho lĩnh vực sân khấu cải lương, tạo điều kiện để người dân địa phương, du khách thưởng lãm và nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Họa sĩ Trương Văn Ý tham quan phòng trưng bày.

Trưng bày các tư liệu, hiện vật về đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ sẽ diễn ra từ 22/11/2019 đến ngày 31/3/2020 và trưng bày bộ sưu tập tranh chân dung nghệ sĩ cải lương của họa sĩ Trương Văn Ý sẽ diễn ra từ ngày 22/11/2019 đến ngày 22/12/2019 tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.

Theo Báo Vĩnh Long số ra ngày 22/11/2019

0916554329

X
error: Thông báo: Nội dung có bản quyền từ Bình Minh Art !!