Khai trương Xuân Quý Mão 2023





Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, Bình Minh Art Gallery xin chúc quý khách hàng, đối tác, bạn hữu và những người yêu nghệ thuật, hội họa, .. lời chúc tốt đẹp nhất.
Chúc các quý vị dồi dào sức khỏe, tràn ngập niềm vui, hạnh phúc; làm ăn phát tài phát lộc và gặp nhiều may mắn.
Chúc các quý vị có ngày làm việc đầu năm mới vui vẻ và hanh thông.
Chúc mừng năm mới Nhâm Dần – Đặng Xuân Hòa
Dưới đây là bài viết của Tiến sĩ Mã Thanh Cao, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh về Bình Minh Art Gallery của nhà sưu tập Trương Văn Thuận và NSUT Ánh Tuyết:
Đã nhiều năm qua, ngôi nhà của nhà sưu tập Trương Văn Thuận và nghệ sĩ ưu tú Ánh Tuyết ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3 đã trở thành nơi tụ họp của nhiều nghệ sĩ và bạn bè yêu mỹ thuật tại Thànhphố Hồ Chí Minh. Ngôi nhà là nơi trưng bày thường xuyên bộ sưu tập các tác phẩm mà ông đã cần mẫn sưu tầm trực tiếp từ nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam…Ngoài trưng bày bộ sưu tập của mình tại đây, nhà sưu tập Trương Văn Thuận – chủ nhân của Bình Minh Art Gallery còn hỗ trợ tổ chức triển lãm giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của một số họa sĩ.
Thời gian trôi đi, từ sự tình cờ, rồi tình yêu đối với các tác phẩm mỹ thuật của nhà sưu tập Trương Văn Thuận cũng lớn dần và ngôi nhà của ông trở thành nơi kết nối giữa người sáng tạo và người yêu nghệ thuật. Dù vậy, nhà sưu tập vẫn mong muốn có một không gian mới phù hợp hơn với các hoạt động ngày càng được mở rộng của Bình Minh Art Gallery và thuận lợi hơn về vị trí. Từ hoạt động thực tế và nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm về không gian nghệ thuật, trụ sở mới của Bình Minh Art Gallery đã được xây dựng tại đường Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh. Với không gian rộng, thoáng và thiết kế theo đúng công năng trưng bày tranh,tượng, hệ thống chiếu sáng chuyên nghiệp, đây sẽ là nơi không chỉ trưng bày bộ sưu tập riêng mà sẽ còn là nơi thường xuyên tổ chức triển lãm giới thiệu tác phẩm của các cá nhân, nhóm nghệ sĩ và nơi diễn ra các sự kiện nghệ thuật.
Vị trí mặt tiền, tại một quận trung tâm rất thuận lợi cho giao thông, chủ nhân của Bình Minh Art Gallerry mong muốn nơi đây sẽ trở thành một điểm hẹn nghệ thuật quen thuộc của những người sáng tạo và công chúng yêu nghệ thuật.
(Tiến sĩ Mã Thanh Cao
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh)
Sáng ngày 31/3/2021, Bình Minh Art Gallery của nhà sưu tập Trương Văn Thuận và NSUT Ánh Tuyết đã chính thức khai trương địa chỉ mới trong không khí long trọng và sôi nổi.
Bình Minh Art Gallery là một phòng tranh tư nhân của nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ là NSUT Ánh Tuyết đã hoạt động một thời gian dài tại địa chỉ số 145/38C Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi trưng bày các tác phẩm hội hoạ và điêu khắc do chính ông bà sưu tầm trong thời gian hơn 30 năm và là nơi gặp gỡ của nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc và nhà sưu tập nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nay, với mong muốn được mở rộng Bình Minh Art Gallery và chuyên nghiệp hoá không gian trưng bày nghệ thuật, nhà sưu tập Trương Văn Thuận đã quyết định chuyển sang địa chỉ mới (số 29A Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).
Với vị trí thuận lợi, không gian trưng bày nghệ thuật chuyên nghiệp, ngoài trưng bày bộ sưu tập riêng của mình hứa hẹn đây sẽ là nơi tổ chức triển lãm giới thiệu các tác phẩm của hoạ sĩ và nhóm hoạ sĩ trong nước và quốc tế; đồng thời diễn ra các sự kiện nghệ thuật khác đưa nghệ thuật đến gần với công chúng hơn, nhất là nghệ thuật hội hoạ theo đúng tiêu chí “Bình Minh Art Gallery – Nơi kết nối mỹ thuật”./.
Bình Minh Art Gallery xin chân thành cảm ơn sự tin tưởng hợp tác của các Hoạ sĩ, nhà điêu khắc, Nhà sưu tập, các Đối tác và những người yêu hội hoạ trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi trân trọng thông báo về việc thay đổi địa điểm phòng tranh của Bình Minh Art Gallery như sau:
Từ ngày 31/3/2021 mọi giao dịch, mua bán, trao đổi, trưng bày giới thiệu các tác phẩm hội hoạ và điêu khắc sẽ được thực hiện tại địa chỉ mới.
Các thông tin liên lạc của Bình Minh Art Gallery không thay đổi:
Bình Minh Art Gallery xin chân thành cảm ơn và mong được quý vị tiếp tục quan tâm, hợp tác.
Xin chân thành cảm ơn.
Hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong rất ít hoạ sĩ của Việt Nam được học và tốt nghiệp ở cả hai trường Mỹ thuật danh giá nhất Việt Nam do người Pháp sáng lập từ những năm đầu của Thế kỷ XX, đó là Trường vẽ Gia Định (được thành lập năm 1913 ở miền Nam) và trường Mỹ thuật Đông Dương (được thành lập năm 1925 ở miền Bắc). Ông cũng là một trong số rất ít hoạ sĩ đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở ngành Mỹ thuật, vừa tích cực hoạt động về lĩnh vực chính trị – xã hội, vừa khá thành công trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật.
Huỳnh Văn Thuận, kí hoạ phong cảnh, chì, 16×24.5 cm, 1983
Được biết đến và thành công ở nhiều thể loại tranh khác nhau (tranh cổ động, tranh khắc gỗ, tranh biếm hoạ và đặc biệt là tranh sơn khắc, …), đặc biệt với tác phẩm sơn khắc “Thôn Vĩnh Mốc” hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận đã để lại cho đời và lịch sử Mỹ thuật Việt Nam một kiệt tác còn mãi với thời gian. Chúng tôi cùng nhiều nhà phê bình mỹ thuật và quí vị yêu nghệ thuật sẽ đồng cảm với tâm sự của anh Huỳnh Lê Tuấn (con trai hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận) “Tranh sơn khắc của Huỳnh Văn Thuận đã dịch chuyển không còn “Salon” nữa mà thấm đẫm không khí con người lao động, sản xuất, chiến đấu, phong cảnh bình dị của cỏ cây, hoa lá, của non sông đất nước Việt Nam”.
Nhưng, rất ít người biết, để thành công ở nhiều thể loại trên, hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận đã rất cần mẫn trong lao động nghệ thuật với mảng tranh ký hoạ (hầu hết bằng bút chì, mực nho, bột màu, thuốc nước…) để ghi chép lại những tư liệu “lịch sử” ở những nơi hoạ sĩ đã đi qua, đã sống, đã lao động và chiến đấu cùng đồng bào, đồng chí. Những ký hoạ của ông đã để lại dấu ấn mang giá trị nghệ thuật cùng với thời gian tại nhiều thời khắc và giai đoạn lịch sử khác nhau: trong kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 ở miền Bắc, tại địa đạo Vĩnh Linh, trên đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ và cả thời gian sau năm 1975.
Huỳnh Văn Thuận, chì, 21 x 24.5 cm, 1944
Nhân vật trong tranh của ông là những con người rất bình dị, đó là anh Vệ quốc đoàn, là anh bộ đội, là nữ dân quân, là anh du kích, là lão nông dân, là các mế, các chị, là những thanh, thiếu niên,… Ông vẽ những cảnh sinh hoạt rất đời thường của con người… (thổi cơm, học hát, chơi đàn, đọc báo, diễn tập, lau súng, ngắm bắn, thu giữ và phân phối chiến lợi phẩm, quan sát giặc, …); những phong cảnh quê hương đất nước, cảnh lao động sản xuất, sự ác liệt tàn phá của chiến tranh…
Có thể nói, cùng với tranh sơn khắc, tranh cổ động, thì những ký họa chì…đã định vị tên tuổi Huỳnh Văn Thuận trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Như lời của Nguyên chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương: “Cuộc sống và sáng tác của ông là một tấm gương, một nhân cách của người nghệ sĩ chân chính được giới Mỹ thuật Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao”. Nhà phê bình Mỹ thuật, họa sĩ Quang Việt cũng nhận xét: “Đối với ông, tranh vẽ bằng bút chì là những tác phẩm đích thực có thể lập nghiệp cho một họa sĩ. Vả lại, cùng với thuốc nước, cây bút chì cũng rất phù hợp với sở thích vẽ và bố cục tại chỗ trước cảnh thực, việc thực, người thực của ông”.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận, Bình Minh Art Gallery cùng Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang và anh Huỳnh Lê Tuấn (con trai của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận) phối hợp tổ chức cuộc “triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận” với một phần tranh ký hoạ chì trong bộ sưu tập của Bình Minh Art Gallery và Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang.
Huỳnh Văn Thuận, chì, 16 x 25 cm
Thiết nghĩ, Văn là người và tranh cũng là người… Hãy để những kí họa chì này của họa sĩ như một sự đối thoại da diết… với đồng nghiệp và công chúng thưởng ngoạn. Qua Triển lãm này, Bình Minh Art Gallery và Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang mong muốn giới thiệu đến các đồng nghiệp, các nhà sưu tập, nhà đầu tư nghệ thuật và công chúng yêu Mỹ thuật một phần rất nhỏ tranh ký họa trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận, đây cũng là “nén tâm nhang” để tưởng nhớ hương hồn ông.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Hội Mỹ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh – triển lãm đã động viên hỗ trợ, cảm ơn nhà đấu giá Nghệ thuật “Chọn” đã tài trợ và là địa chỉ đáng tin cậy cho cuộc triển lãm mang nhiều ý nghĩa này. Chúc các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, các Nhà sưu tập, Nhà đầu tư nghệ thuật và công chúng yêu nghệ thuật đến với triển lãm này sức khỏe, hạnh phúc, thành công!
Hà Nội, Tháng 02 năm 2020
Nhà sưu tập Nghệ thuật, Luật sư Trương Văn Thuận
Ngày 22/11/2019, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và nhà sưu tập Trương Văn Thuận tổ chức trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ” và trưng bày bộ sưu tập tranh chân dung nghệ sĩ cải lương của họa sĩ Trương Văn Ý.
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.
Ban tổ chức giới thiệu đến công chúng 260 tư liệu, hình ảnh, tranh, hiện vật liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương Nam Bộ. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Vĩnh Long trưng bày bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập Trương Văn Thuận với 80 bức chân dung nghệ sĩ cải lương bằng chất liệu sơn dầu do họa sĩ Trương Văn Ý thực hiện.
Các hình ảnh, hiện vật… giúp công chúng hiểu rõ hơn về nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh, với những tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương được chọn lọc trưng bày giúp công chúng tìm hiểu, khám phá nét hay và cảm nhận sâu sắc về di sản âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Thông qua hoạt động trưng bày chuyên đề nhằm tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ đã có nhiều công lao đóng góp cho lĩnh vực sân khấu cải lương, tạo điều kiện để người dân địa phương, du khách thưởng lãm và nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Họa sĩ Trương Văn Ý tham quan phòng trưng bày.
Trưng bày các tư liệu, hiện vật về đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ sẽ diễn ra từ 22/11/2019 đến ngày 31/3/2020 và trưng bày bộ sưu tập tranh chân dung nghệ sĩ cải lương của họa sĩ Trương Văn Ý sẽ diễn ra từ ngày 22/11/2019 đến ngày 22/12/2019 tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.
Trưng bày một số ít tác phẩm từ Bộ sưu tập tranh và ký họa của họa sĩ Lê Văn Xương lần này, nhà sưu tập Trương Văn Thuận và Chọn Auction hy vọng góp phần vào chuỗi sự kiện đánh dấu sự xuất hiện trở lại các tác phẩm của một nghệ sĩ tài danh, suốt đời say mê sáng tạo và đã để lại hàng ngàn tác phẩm sơn dầu, bột màu, màu nước, lụa…về phong cảnh, con người Việt Nam.
Bộ sưu tập được hình thành bởi cơ duyên qua sự thân quen của Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cùng vợ là Nghệ sĩ ưu tú Ánh Tuyết (chủ nhân của Bình Minh Art Gallery – TP.Hồ Chí Minh) với các con của Hoạ sĩ Lê Văn Xương từ rất lâu (họ đều là các nghệ sĩ, hoạ sĩ,… làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật), và hơn thế nữa là bởi sự yêu thích tranh của họa sĩ Lê Văn Xương. Tuy nhiên, do hạn chế về không gian nên chúng tôi chỉ trưng bày hơn 20 bức tranh, ký họa phong cảnh và ba bức chân dung đặc biệt. Đó là chân dung người cha mà ông luôn kính yêu, chân dung tự họa và chân dung bà Kim Lan (thường gọi là bà Đào) – người vợ thứ ba đã chung sống với ông tại Tp. Hồ Chí Minh cho đến ngày ông mất 14/10/1988.
Lê Văn Xương, Bà Đào (Phu nhân họa sĩ), sơn dầu, 60x48cm, 1981
Họa sĩ Lê Văn Xương (1917-1988) không chỉ vẽ tranh, mà còn là nhà điêu khắc tài hoa. Ông là một trong những nghệ sĩ từng nổi tiếng và đã tổ chức các cuộc triển lãm cá nhân từ rất sớm tại Sài Gòn vào các năm 1941 và 1949 và tại thành phố Dalat năm 1951. Triển lãm cá nhân hiếm hoi thời bấy giờ và gây tiếng vang lớn là triển lãm cá nhân Hà nội 36 phố phường năm 1953 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với 29 bức tranh về những khu phố, phong cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội. Đây cũng là triển lãm cá nhân cuối cùng khi ông còn sống, dù tranh của ông vẫn luôn được nhiều người ưa thích và sưu tầm.
Lê Văn Xương, phố Gầm Cầu, sơn dầu, 40x50cm, 1952
Bẵng đi một thời gian dài, sự xuất hiện trở lại với công chúng yêu nghệ thuật trong những năm gần đây mới bắt đầu từ việc bức tranh Kéo pháo lên đồi (1961) được trưng bày trong triển lãm sưu tập của ông Tira Vanichtheeranon (nhà sưu tập người Thái Lan) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Tiếp theo là ngày 17/12/2016 bức tranh lụa Thiếu nữ (chân dung con gái Y Lan của ông) được bán tại cuộc đấu giá của Lythi Auction ở TP.HCM. Triển lãm “Một tình yêu Hội hoạ” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ 22/6 đến 02/7/2017 của Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cũng chỉ trưng bày 2 bức sơn dầu của hoạ sĩ Lê Văn Xương. Cho tới triển lãm Điều kỳ diệu được con gái ông và cũng là nhà sưu tập tranh, tổ chức ngày 21/9/2018 tại TP. HCM đã trưng bày 101 tác phẩm nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của ông là trưng bày có số lượng tác phẩm xuất hiện nhiều nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, với bốn lần trở lại, vẻn vẹn 105 tác phẩm so với hàng ngàn tranh, tượng, ký họa của nghệ sĩ Lê Văn Xương từng một thời vang bóng, quả là quá ít ỏi. Nên việc tổ chức giới thiệu nhiều hơn nữa các sáng tác của ông để công chúng yêu nghệ thuật biết và hiểu hơn những giá trị của ông đã để lại, đã góp phần tạo nên một diện mạo của mỹ thuật hiện đại Việt Nam và để người ta yêu hơn đất nước, con người Việt Nam qua xúc cảm của người nghệ sĩ chân chính Lê Văn Xương.
Tiến sĩ Mã Thanh Cao
Nguyên Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Cơ duyên đến với Trương Văn Thuận gần 30 năm trước, khi lúc đó ông giúp đỡ gia đình một họa sĩ danh tiếng và một nhà sưu tập trong lúc khó khăn.
Sự tận tình với những người bạn mới dẫn đến điều bất ngờ: ông bắt đầu cảm thấy thích ngắm tranh. Sự tò mò ban đầu đã trở thành một niềm đam mê và cũng từ đó là một tình yêu dành cho hội họa lớn dần theo thời gian.
TS Mã Thanh Cao, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “Điều đáng quý ở nhà sưu tập Trương Văn Thuận là thái độ trân trọng nghệ thuật, sự chân thành và tử tế trong làm nghề. Anh còn rất may mắn khi có được người bạn đời luôn ủng hộ, động viên anh thực hiện niềm đam mê của mình. Bởi chị cũng là người hoạt động trong một loại hình nghệ thuật và cũng yêu cái đẹp, luôn thân thiện và hiếu khách”.
Theo sggp.org.vn