Blog Default

Triển lãm “Em ơi, Hà Nội phố”

Từ ngày 21-28/7/2018 tại Gallery Bình Minh (số 145/38C, Nguyễn Thiện Thuật, Phường 1, Quận 3, TP.HCM), diễn ra triển lãm tranh sơn dầu với chủ đề “Em ơi, Hà Nội phố”, trưng bày và giới thiệu 26 tác phẩm của nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ do nhà sưu tập Trương Văn Thuận tài trợ.

Phan Vũ, tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng, lớn lên ở làng Phước Ninh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Khi 20 tuổi, ông đi bộ đội và miền Nam và làm công tác văn nghệ tại miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Đến năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, rồi làm việc cho xưởng phim truyện Việt Nam tại Hà Nội. Ông viết kịch, làm thơ, đạo diễn điện ảnh. Năm 1972, ông viết trường ca nổi tiếng “Em ơi, Hà Nội phố”, về sau được nhạc sĩ Phú Quang trích đoạn, phổ nhạc và đã trở thành một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ vào lại Sài Gòn làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM. Từ năm 1995, ông vẽ tranh sơn dầu và đã triển lãm nhiều lần ở trong và ngoài nước.

Tại cuộc triển lãm, 26 bức tranh với chất liệu sơn dầu, kích thước 80×80 cm, trong đó có 15 tác phẩm mang tên “ Em ơi, Hà Nội phố”. Các tác phẩm còn lại là tranh tự họa, chân dung, phong cảnh và trừu tượng với những gam màu đối chọi nhau như có lần ông bộc bạch với báo chí “một cái gì như một chút bi tráng tự sự với những màu sắc rực rỡ, đối lập, nhưng lại có độ trầm tạo thành nỗi buồn dịu êm.”

Theo Báo Du lịch số ra ngày 24/7/2018

Tuần lễ trưng bày tranh của họa sĩ Lê Văn Xương

Trưng bày một số ít tác phẩm từ Bộ sưu tập tranh và ký họa của họa sĩ Lê Văn Xương lần này, nhà sưu tập Trương Văn Thuận và Chọn Auction hy vọng góp phần vào chuỗi sự kiện đánh dấu sự xuất hiện trở lại các tác phẩm của một nghệ sĩ tài danh, suốt đời say mê sáng tạo và đã để lại hàng ngàn tác phẩm sơn dầu, bột màu, màu nước, lụa…về phong cảnh, con người Việt Nam.

Bộ sưu tập được hình thành bởi cơ duyên qua sự thân quen của Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cùng vợ là Nghệ sĩ ưu tú Ánh Tuyết (chủ nhân của Bình Minh Art Gallery – TP.Hồ Chí Minh) với các con của Hoạ sĩ Lê Văn Xương từ rất lâu (họ đều là các nghệ sĩ, hoạ sĩ,… làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật), và hơn thế nữa là bởi sự yêu thích tranh của họa sĩ Lê Văn Xương. Tuy nhiên, do hạn chế về không gian nên chúng tôi chỉ trưng bày hơn 20 bức tranh, ký họa phong cảnh và ba bức chân dung đặc biệt. Đó là chân dung người cha mà ông luôn kính yêu, chân dung tự họa và chân dung bà Kim Lan (thường gọi là bà Đào) – người vợ thứ ba đã chung sống với ông tại Tp. Hồ Chí Minh cho đến ngày ông mất 14/10/1988.

Lê Văn Xương, Bà Đào (Phu nhân họa sĩ), sơn dầu, 60x48cm, 1981

Họa sĩ Lê Văn Xương (1917-1988) không chỉ vẽ tranh, mà còn là nhà điêu khắc tài hoa. Ông là một trong những nghệ sĩ từng nổi tiếng và đã tổ chức các cuộc triển lãm cá nhân từ rất sớm tại Sài Gòn vào các năm 1941 và 1949 và tại thành phố Dalat năm 1951. Triển lãm cá nhân hiếm hoi thời bấy giờ và gây tiếng vang lớn là triển lãm cá nhân Hà nội 36 phố phường năm 1953 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với 29 bức tranh về những khu phố, phong cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội. Đây cũng là triển lãm cá nhân cuối cùng khi ông còn sống, dù tranh của ông vẫn luôn được nhiều người ưa thích và sưu tầm.

Lê Văn Xương, phố Gầm Cầu, sơn dầu, 40x50cm, 1952

Bẵng đi một thời gian dài, sự xuất hiện trở lại với công chúng yêu nghệ thuật trong những năm gần đây mới bắt đầu từ việc bức tranh Kéo pháo lên đồi (1961) được trưng bày trong triển lãm sưu tập của ông Tira Vanichtheeranon (nhà sưu tập người Thái Lan) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Tiếp theo là ngày 17/12/2016 bức tranh lụa Thiếu nữ (chân dung con gái Y Lan của ông) được bán tại cuộc đấu giá của Lythi Auction ở TP.HCM. Triển lãm “Một tình yêu Hội hoạ” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ 22/6 đến 02/7/2017 của Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cũng chỉ trưng bày 2 bức sơn dầu của hoạ sĩ Lê Văn Xương. Cho tới triển lãm Điều kỳ diệu được con gái ông và cũng là nhà sưu tập tranh, tổ chức ngày 21/9/2018 tại TP. HCM đã trưng bày 101 tác phẩm nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của ông là trưng bày có số lượng tác phẩm xuất hiện nhiều nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, với bốn lần trở lại, vẻn vẹn 105 tác phẩm so với hàng ngàn tranh, tượng, ký họa của nghệ sĩ Lê Văn Xương từng một thời vang bóng, quả là quá ít ỏi. Nên việc tổ chức giới thiệu nhiều hơn nữa các sáng tác của ông để công chúng yêu nghệ thuật biết và hiểu hơn những giá trị của ông đã để lại, đã góp phần tạo nên một diện mạo của mỹ thuật hiện đại Việt Nam và để người ta yêu hơn đất nước, con người Việt Nam qua xúc cảm của người nghệ sĩ chân chính Lê Văn Xương.

Tiến sĩ Mã Thanh Cao

Nguyên Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Triển lãm “Gặp gỡ mùa thu”

“Gặp gỡ mùa thu” là cuộc triển lãm do Art Gallery Bình Minh tổ chức từ ngày 10 đến ngày 19/9/2018 tại Bảo tàng Thành phố (Nhà trưng bày triển lãm Thành phố – số 92 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) nhằm giới thiệu với công chúng một số tác phẩm của 4 gương mặt tiêu biểu trong rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc mà Art Gallery Bình Minh sở hữu các tác phẩm hội họa và điêu khắc. Xuất phát điểm khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung đó là sự đam mê, miệt mài, sáng tạo và thành công trong lao động nghệ thuật.

Xuất thân từ Trường Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Sĩ Thiết đã có nhiều tác phẩm được đăng trên các báo và tạp chí trong nước; tranh của Ông đã nhiều lần được gửi triển lãm khu vực , triển lãm toàn quốc, các triển lãm chuyên đề, các triển lãm ở nhiều nước trên thế giới. Năm nay vừa tròn 75 tuổi, ông ước nguyện có được cuộc triển lãm cá nhân để giới thiệu với công chúng các tác phẩm thể hiện cả quá trình lao động nghệ thuật không mệt mỏi của mình.

Nguyễn Sĩ Thiết, Cảnh dệt thảm, Bột màu, 38.5 x 51 cm, 1979.

Cũng xuất thân từ Trường Mỹ thuật Hà Nội, Họa sĩ Nghiêm Xuân Hưng đã luôn miệt mài, lao động sáng tạo trong nghệ thuật hội họa, điêu khắc với nhiều chất liệu khác nhau để có được các tuyệt tác về phong cảnh và con người đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ.

Nghiêm Xuân Hưng, Hội thả chim, Sơn khắc, 90 x 90 cm, 1994 – 2013.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, Họa sĩ Phạm An Hòa (người chuyên vẽ biếm họa với bút danh Ngoéo cho các báo từ thập niên 70), nay Ông lại trau chuốt, mượt mà qua những bức tranh lột tả vẻ đẹp đoan trang, mỹ miều của người phụ nữ Nam Bộ.

Phạm An Hòa, Họa mi, Sơn dầu, 100 x 130 cm, 2006.

Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định từ năm 1975, Họa sĩ Văn Y chuyên sáng tác tranh sơn mài và sơn dầu với phong cách “Lối xưa” mang đến cho ngườ thưởng ngoạn những hình ảnh có tính gợi tưởng về Sài Gòn thời xa xưa, với những tà áo dài thiếu nữ, những ngôi đình làng, kiến trúc cổ xưa, đường phố, con hẻm, …

Văn Y, Cô gái Sài Gòn, 100 x 100 cm, 2015

Thông qua triển lãm, Art Gallery Bình Minh muốn gửi lời cám ơn đến các họa sĩ, nhà điêu khắc và người yêu hội họa đã đồng hành, ủng hộ Art Gallery Bình Minh trong suốt thời gian qua và mong rằng chúng tôi sẽ tiếp tục được ủng hộ trong thời gian tới.

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận

Triển lãm ‘độc nhất vô nhị’ của Trương Văn Thuận

Nhìn ở khía cạnh chủ đề sưu tập, triển lãm ‘Một tình yêu hội họa’ – giới thiệu một phần bộ sưu tập của Trương Văn Thuận (khai mạc lúc 10g ngày 22/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) là độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Triển lãm trưng bày khoảng 200 tranh, tượng của hơn 80 họa sĩ và nhà điêu khắc. Gần một nửa số đó là chân dung của chính nhà sưu tập và gia đình ông.

Đây cũng là triển lãm đầu tiên của Trương Văn Thuận – nhà sưu tập tranh với gần 30 năm kinh nghiệm. Ông Thuận cho biết lý do làm triển lãm vì đây là năm ông tròn 60 tuổi, đúng “lục thập hoa giáp”, ông sẽ nghỉ hưu để dồn tâm trí, tài lực cho việc sưu tập mỹ thuật.

Trien lam 'doc nhat vo nhi' cua Truong Van Thuan

Chân dung Trương Văn Thuận theo cách nhìn của cố họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm (sơn dầu, 70x50cm, 2008)

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc triển lãm tranh chân dung của, hoặc về một người, một gia đình là điều không hiếm gặp. Thế nhưng mỗi lần bắt gặp đều có những bất ngờ, mới mẻ, vì câu chuyện của những bức tranh chân dung đó phụ thuộc khá lớn vào đặc trưng nhân vật được thể hiện. Triển lãm của Trương Văn Thuận cũng vậy, đó là những tranh chân dung mà các họa sĩ, nhà điêu khắc đã sáng tác về ông (chủ yếu) và vợ con ông trong nhiều hoàn cảnh, tâm thế khác nhau.

Nhìn ở khía cạnh “ăn ảnh”, Trương Văn Thuận hoàn toàn ngược với vợ mình – nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết – ông là một người “ẩn tướng”, thế nên việc dựng chân dung ông là một thách thức không nhỏ. Dù thế giới nội tâm khá phong phú, bên ngoài ông lại là người ứng xử chừng mực, có nguyên tắc, nên về mặt cá tính tạo hình cũng khó khăn. Trong điều kiện như vậy, để có một triển lãm chân dung đầy đặn như Một tình yêu hội họa cái khiến công chúng đặc biệt quan tâm.

Trương Văn Thuận cho biết, ông có hơn 100 tranh tượng và hơn 100 ký họa chân dung của mình. Ông kể rằng các tác phẩm đến sau quá trình ông chơi với các tác giả, họ thích thì vẽ, chứ nếu thuê vẽ đơn thuần thì bây giờ ông đã có rất nhiều, chứ không dừng lại con số khiêm tốn như vừa kể.

Trien lam 'doc nhat vo nhi' cua Truong Van Thuan

Một số ký họa về Trương Văn Thuận

“Bộ tranh chân dung nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ (nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết) đã dần hình thành từ những cuộc trò chuyện, gặp gỡ. Số tranh, ký họa chân dung nhà sưu tập cùng vợ đã hơn 200 bức – con số rất nhỏ so với hàng ngàn tranh, tượng và ký họa ông đang lưu giữ, nhưng nói lên tình cảm của các họa sĩ, nhà điêu khắc đã dành cho cặp vợ chồng yêu hội họa Trương Thuận – Ánh Tuyết.

Theo năm tháng, ngôi nhà của họ càng lúc càng thấm đẫm tình bằng hữu và không khí nghệ thuật. Ông thật may mắn khi có được người bạn đời luôn ủng hộ, cổ vũ chồng thực hiện niềm đam mê như một tình yêu đặc biệt. Bởi chị cũng là người hoạt động trong một loại hình nghệ thuật và cũng mê cái đẹp, luôn thân thiện, hiếu khách” – TS Mã Thanh Cao (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) nói.

Triển lãm Một tình yêu hội họa còn giới thiệu một phần nhỏ bộ sưu tập tranh của Trương Văn Thuận, mà trong lĩnh vực này, ông đã có địa vị riêng. Bộ sưu tập khá xuyên suốt, từ các tác giả thời kỳ đầu, các bậc thầy cho đến các tên tuổi đương thời. Nhiều tác phẩm ông bắt gặp tình cờ, thấy đẹp, dù chưa xác định được tác giả, vẫn mua, rồi từ từ tìm hiểu. Theo ông Thuận, những tác phẩm tại triển lãm này đều đã “hoàn tất hồ sơ”. Những tác phẩm nào chưa rõ ràng, chưa chắc chắn thì không đưa ra công chúng, thậm chí phải hủy bỏ.

“Trong nghề chơi tranh, đã có không ít người vì quá tin tưởng vào sự mẫn cảm của mình mà rước về những tác phẩm tầm thường. Khi ấy không chỉ mất tiền mà nó còn là cách dẫn dắt không mong muốn, đưa họ đến những sai lầm về nhận thức thẩm mỹ. Những sai lầm ấy có khi phải trả giá bằng cả một đời sưu tập.

Rất may, ông Trương Văn Thuận đã tìm gặp và trao đổi với những họa sĩ hàng đầu của mỹ thuật Việt ngay từ những ngày còn bỡ ngỡ. May hơn nữa, những họa sĩ có dịp tiếp xúc với ông đều nhận ra sự chân thành và lòng đam mê của ông. Họ sẵn lòng giúp đỡ ông một cách vô tư. Từ những họa sĩ lão thành như Mai Long, Trần Lưu Hậu, Bùi Quang Ngọc, Văn Thơ… cho đến lớp đàn em kế cận: Nghiêm Xuân Hưng, Hứa Thanh Bình, Phạm Minh Hải, Nguyễn Tấn Cương … Tất cả đều đã trở thành những người bạn của ông trước khi là tác giả mà ông sưu tầm” – họa sĩ Đỗ Phấn chia sẻ. 

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận sinh năm 1957 tại tỉnh Hà Nam. Ông có bằng thạc sĩ luật và là cử nhân kinh tế. Ông chính thức đến với việc sưu tập tranh từ một duyên tình cờ năm 1991. Từ đó, ông âm thầm và kiên trì với việc sưu tập để ngày nay nắm giữ hàng ngàn tác phẩm, phác thảo, ký họa, tư liệu… giá trị của các nghệ sĩ Việt Nam nhiều thời kỳ.

Triển lãm Một tình yêu hội họa kết thúc ngày 2/7/2017.

Theo Báo Phụ nữ

Khi nhà sưu tập ‘triển lãm chính mình’

Khai mạc vào sáng nay 22/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm Một tình yêu hội họa của nhà sưu tập Trương Văn Thuận giới thiệu khoảng 200 tác phẩm hội họa, điêu khắc, trong đó gần một nửa tác phẩm thể hiện chân dung của ông và gia đình. Nhìn riêng ở khía cạnh bày chân dung như một “triển lãm chính mình”, đây là bộ sưu tập độc đáo và hiếm có tại Việt Nam.

Trương Văn Thuận đến với việc sưu tập tranh, tượng nghệ thuật như một cái duyên tình cờ, khi ông giúp đỡ một gia đình họa sĩ và một nhà sưu tập trong cảnh khó khăn cách đây gần ba mươi năm. Có ngờ đâu, sự tận tình với bạn đã làm ông bắt đầu thấy thích ngắm tranh, rồi sự tò mò đó lớn dần thành một tình yêu hội họa lúc nào ông cũng không nhận ra.
Những bức tranh đã thật sự giúp ông thư giãn sau những giờ phút căng thẳng, phức tạp trong công việc của một sĩ quan công an cấp cao. Và nay, khi bắt đầu nghỉ hưu, niềm đam mê nghệ thuật đã chiếm gần trọn thời gian của ông.
Chú thích ảnh
Nhà sưu tập Trương Văn Thuận
Như nhiều người chơi tranh, nhà sưu tập Trương Văn Thuận cũng đã trải qua một thời gian lúng túng khi sưu tầm tranh của các họa sĩ từng học tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ nổi tiếng nhưng đã qua đời. Với một người không phải trong giới mỹ thuật, lại chưa có kinh nghiệm, kiến thức trong việc thẩm định tranh thật – giả không dễ dàng chút nào, đôi khi phải trả giá bằng món tiền không nhỏ cho một bức tranh giả.
Nhà sưu tập Trương Thuận đã tìm ra cách sưu tập “chắc ăn” là mua từ chính tác giả, hoặc tranh có nguồn gốc rõ ràng. Vốn là người luôn cầu tiến, từ những lần gặp gỡ họa sĩ để sưu tầm tranh, ông phát hiện ra một điều rất quan trọng khi trực tiếp trao đổi với tác giả: cơ hội để học hỏi về mỹ thuật.
Gặp họa sĩ, nhà điêu khắc không chỉ để trao đổi, tìm hiểu về tác phẩm của chính họ, mà còn có thêm kiến thức giúp ông nhận định được cái đẹp của một tác phẩm, cũng như độ thật, giả, của tác phẩm đó. Tranh thủ thời gian ông đã đến nhà các họa sĩ, nhà điêu khắc Huỳnh Văn Thuận, Mai Long, Trần Lưu Hậu, Bùi Quang Ngọc, Văn Thơ, Trương Văn Ý, Tạ Quang Bạo, Trần Tuy, Lê Liên, Nguyễn Lâm, Nghiêm Xuân Hưng, Vũ Ba, Hồ Phòng, Hứa Thanh Bình, Phạm Minh Hải, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Phấn, Trịnh Minh Sơn, Hoàng Hồng Cẩm… Và căn nhà của ông đã trở thành nơi thường xuyên tụ họp của các họa sĩ, nhà điêu khắc.
Chú thích ảnh
Chân dung Trương Văn Thuận theo góc nhìn của họa sĩ Nguyễn Tấn Cương (sơn dầu, 75 cm x 95 cm, 2016)
Các nghệ sĩ quý nhà sưu tập Trương Văn Thuận ở sự cầu thị, chân tình như người bạn và trên hết là sự trân quý nghệ sĩ và niềm đam mê các tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên, không mang tính thương mại. Với ông, các nghệ sĩ là những người giúp ông trên bước đường hoàn thiện bộ sưu tập hội họa.
Bộ tranh chân dung nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ (nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết) đã dần hình thành từ những cuộc trò chuyện, gặp gỡ đó. Số tranh và ký họa chân dung nhà sưu tập cùng vợ đã lên tới hơn 200 bức. Con số này rất nhỏ so với hàng ngàn tranh, tượng và ký họa ông đang lưu giữ  – kết quả từ  tình cảm mà các họa sĩ, nhà điêu khắc đã giành cho cặp vợ chồng yêu hội họa.
Theo năm tháng, ngôi nhà của Thuận càng lúc càng thấm đẫm tình bằng hữu và không khí nghệ thuật. Ông thật may mắn khi có được người bạn đời luôn ủng hộ, cổ vũ chồng thực hiện niềm đam mê như một tình yêu đặc biệt. Bởi chị cũng là người hoạt động trong một loại hình nghệ thuật và cũng mê cái đẹp, luôn thân thiện, hiếu khách.
Ngoài việc học hỏi về kiến thức nghệ thuật, trân quý các nghệ sĩ, nhà sưu tập Trương Văn Thuận còn là người làm việc như một nhân viên bảo tàng. Tự tay ông thực hiện việc quản lý trên máy tính các tác phẩm mình đang lưu giữ, thu thập, bổ sung các thông tin tác giả, tác phẩm. Có lẽ nghề nghiệp đã giúp ông cẩn thận, cân nhắc các thông tin khi đưa vào tác phẩm. Ông cho rằng người chơi tranh thật với tình yêu nghệ thuật sẽ sẵn sàng hủy bất kỳ bức tranh nào là giả.
Chắc chắn, đó là một điều đáng khuyến khích cho những người chơi chuyên nghiệp và sẽ góp phần tạo thị trường lành mạnh cho mỹ thuật Việt Nam.
Bộ sưu tập chân dung từ nhiều tác giả nổi tiếng
Chân dung nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ được nhiều tác giả nổi tiếng như Mai Long, Trần Lưu Hậu, Bùi Quang Ngọc, Văn Thơ, Lê Liên, Nghiêm Xuân Hưng, Vũ Ba, Hứa Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Phấn, Trịnh Minh Sơn, Hoàng Hồng Cẩm… thể hiện.

Theo Thethaovanhoa.vn

0916554329

X
error: Thông báo: Nội dung có bản quyền từ Bình Minh Art !!