BÌNH MINH ART GALLERY KHAI TRƯƠNG ĐỊA CHỈ MỚI

Sáng ngày 31/3/2021, Bình Minh Art Gallery của nhà sưu tập Trương Văn Thuận và NSUT Ánh Tuyết đã chính thức khai trương địa chỉ mới trong không khí long trọng và sôi nổi.

        Bình Minh Art Gallery là một phòng tranh tư nhân của nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ là NSUT Ánh Tuyết đã hoạt động một thời gian dài tại địa chỉ số 145/38C Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi trưng bày các tác phẩm hội hoạ và điêu khắc do chính ông bà sưu tầm trong thời gian hơn 30 năm và là nơi gặp gỡ của nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc và nhà sưu tập nổi tiếng trong và ngoài nước.

        Nay, với mong muốn được mở rộng Bình Minh Art Gallery và chuyên nghiệp hoá không gian trưng bày nghệ thuật, nhà sưu tập Trương Văn Thuận đã quyết định chuyển sang địa chỉ mới  (số 29A Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

        Với vị trí thuận lợi, không gian trưng bày nghệ thuật chuyên nghiệp, ngoài trưng bày bộ sưu tập riêng của mình hứa hẹn đây sẽ là nơi tổ chức triển lãm giới thiệu các tác phẩm của hoạ sĩ và nhóm hoạ sĩ trong nước và quốc tế; đồng thời diễn ra các sự kiện nghệ thuật khác đưa nghệ thuật đến gần với công chúng hơn, nhất là nghệ thuật hội hoạ theo đúng tiêu chí “Bình Minh Art Gallery – Nơi kết nối mỹ thuật”./.

 

THÔNG BÁO VỀ VIỆC ĐỔI ĐỊA ĐIỂM PHÒNG TRANH

Bình Minh Art Gallery xin chân thành cảm ơn sự tin tưởng hợp tác của các Hoạ sĩ, nhà điêu khắc, Nhà sưu tập, các Đối tác và những người yêu hội hoạ trong suốt thời gian qua.

Chúng tôi trân trọng thông báo về việc thay đổi địa điểm phòng tranh của Bình Minh Art Gallery như sau:

  • Địa chỉ cũ: 145/38C Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
  • Địa chỉ mới: 29A Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Từ ngày 31/3/2021 mọi giao dịch, mua bán, trao đổi, trưng bày giới thiệu các tác phẩm hội hoạ và điêu khắc sẽ được thực hiện tại địa chỉ mới.

Các thông tin liên lạc của Bình Minh Art Gallery không thay đổi:

  • Phone: (+84) 916554329; (+84) 903976868

Bình Minh Art Gallery xin chân thành cảm ơn và mong được quý vị tiếp tục quan tâm, hợp tác.

Xin chân thành cảm ơn.

Tuần lễ trưng bày các tác phẩm của Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận – 100 mùa sen nở (1920 – 2020)

Triển lãm ‘Huỳnh Văn Thuận – 100 năm mùa sen nở’ diễn ra từ ngày 30/5 đến 5/6 tại số 63 Hàm Long, Hà Nội.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, một trong những họa sĩ tiêu biểu của nền Mỹ thuật Việt Nam, không chỉ được biết đến là người được Bác Hồ chọn làm huy hiệu chính thức cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sử dụng đến ngày nay. Nhắc tới Huỳnh Văn Thuận, người ta nhớ ngay đến nghệ thuật tranh sơn khắc, tới những bức tranh cổ động chất lượng đã để lại hàng loạt những dấu ấn cho mỹ thuật cách mạng nước nhà.

Khai mạc Tuần lễ trưng bày các tác phẩm của Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận – 100 mùa sen nở (1920 – 2020).

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong những họa sĩ chuyên sâu vào nghệ thuật tranh sơn khắc. Tranh của ông gắn bó với đời sống của người dân, với bố cục chặt chẽ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao.

Cùng với tranh sơn khắc, họa sĩ còn sáng tác nhiều tranh cổ động trong thời kỳ kháng chiến có chất lượng cao, góp phần vào thành tựu của nền mỹ thuật Việt Nam cách mạng và hiện đại.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam –  phát biểu tại lễ khai mạc. Họa sĩ Huy Oánh phát biểu tại lễ khai mạc. Nhà sưu tập Trương Văn Thuận phát biểu tại lễ khai mạc.

Đến với triển lãm “Huỳnh Văn Thuận – 100 năm mùa sen nở” là nơi trưng bày các tác phẩm hội họa của họa sĩ vẽ huy hiệu Đoàn, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Chương trình diễn ra từ ngày 30/5 đến 5/6 tại số 63 Hàm Long, Hà Nội đã phần nào giúp người yêu nghệ thuật hiểu thêm về họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, từ những bản phác thảo đầy tâm huyết.

Ông Nguyễn Sơn Trường cùng Nhà sưu tập Trương Văn Thuận.

Được biết các tác phẩm trưng bày tại triển lãm là một phần nhỏ tranh ký họa trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Đây cũng là nén tâm nhang của gia đình, đồng nghiệp và những người yêu mến họa sĩ tưởng nhớ ông./.

Theo Báo mới

Đôi điều về Triển lãm Mỹ thuật Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận (18/04/1920-18/04/2020)

Hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận là một trong rất ít hoạ sĩ của Việt Nam được học và tốt nghiệp ở cả hai trường Mỹ thuật danh giá nhất Việt Nam do người Pháp sáng lập từ những năm đầu của Thế kỷ XX, đó là Trường vẽ Gia Định (được thành lập năm 1913 ở miền Nam) và trường Mỹ thuật Đông Dương (được thành lập năm 1925 ở miền Bắc). Ông cũng là một trong số rất ít hoạ sĩ đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở ngành Mỹ thuật, vừa tích cực hoạt động về lĩnh vực chính trị – xã hội, vừa khá thành công trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật.

Huỳnh Văn Thuận, kí hoạ phong cảnh, chì, 16×24.5 cm, 1983

Được biết đến và thành công ở nhiều thể loại tranh khác nhau (tranh cổ động, tranh khắc gỗ, tranh biếm hoạ và đặc biệt là tranh sơn khắc, …), đặc biệt với tác phẩm sơn khắc “Thôn Vĩnh Mốc” hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận đã để lại cho đời và lịch sử Mỹ thuật Việt Nam một kiệt tác còn mãi với thời gian. Chúng tôi cùng nhiều nhà phê bình mỹ thuật và quí vị yêu nghệ thuật sẽ đồng cảm với tâm sự của anh Huỳnh Lê Tuấn (con trai hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận) “Tranh sơn khắc của Huỳnh Văn Thuận đã dịch chuyển không còn “Salon” nữa mà thấm đẫm không khí con người lao động, sản xuất, chiến đấu, phong cảnh bình dị của cỏ cây, hoa lá, của non sông đất nước Việt Nam”.
Nhưng, rất ít người biết, để thành công ở nhiều thể loại trên, hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận đã rất cần mẫn trong lao động nghệ thuật với mảng tranh ký hoạ (hầu hết bằng bút chì, mực nho, bột màu, thuốc nước…) để ghi chép lại những tư liệu “lịch sử” ở những nơi hoạ sĩ đã đi qua, đã sống, đã lao động và chiến đấu cùng đồng bào, đồng chí. Những ký hoạ của ông đã để lại dấu ấn mang giá trị nghệ thuật cùng với thời gian tại nhiều thời khắc và giai đoạn lịch sử khác nhau: trong kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 ở miền Bắc, tại địa đạo Vĩnh Linh, trên đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ và cả thời gian sau năm 1975.

Huỳnh Văn Thuận, chì, 21 x 24.5 cm, 1944

Nhân vật trong tranh của ông là những con người rất bình dị, đó là anh Vệ quốc đoàn, là anh bộ đội, là nữ dân quân, là anh du kích, là lão nông dân, là các mế, các chị, là những thanh, thiếu niên,… Ông vẽ những cảnh sinh hoạt rất đời thường của con người… (thổi cơm, học hát, chơi đàn, đọc báo, diễn tập, lau súng, ngắm bắn, thu giữ và phân phối chiến lợi phẩm, quan sát giặc, …); những phong cảnh quê hương đất nước, cảnh lao động sản xuất, sự ác liệt tàn phá của chiến tranh…
Có thể nói, cùng với tranh sơn khắc, tranh cổ động, thì những ký họa chì…đã định vị tên tuổi Huỳnh Văn Thuận trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Như lời của Nguyên chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương: “Cuộc sống và sáng tác của ông là một tấm gương, một nhân cách của người nghệ sĩ chân chính được giới Mỹ thuật Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao”. Nhà phê bình Mỹ thuật, họa sĩ Quang Việt cũng nhận xét: “Đối với ông, tranh vẽ bằng bút chì là những tác phẩm đích thực có thể lập nghiệp cho một họa sĩ. Vả lại, cùng với thuốc nước, cây bút chì cũng rất phù hợp với sở thích vẽ và bố cục tại chỗ trước cảnh thực, việc thực, người thực của ông”.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận, Bình Minh Art Gallery cùng Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang và anh Huỳnh Lê Tuấn (con trai của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận) phối hợp tổ chức cuộc “triển lãm kỷ niệm 100 năm ngày sinh hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận” với một phần tranh ký hoạ chì trong bộ sưu tập của Bình Minh Art Gallery và Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang.

Huỳnh Văn Thuận, chì, 16 x 25 cm

Thiết nghĩ, Văn là người và tranh cũng là người… Hãy để những kí họa chì này của họa sĩ như một sự đối thoại da diết… với đồng nghiệp và công chúng thưởng ngoạn. Qua Triển lãm này, Bình Minh Art Gallery và Trung tâm trao đổi Văn hoá nghệ thuật Văn Lang mong muốn giới thiệu đến các đồng nghiệp, các nhà sưu tập, nhà đầu tư nghệ thuật và công chúng yêu Mỹ thuật một phần rất nhỏ tranh ký họa trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận, đây cũng là “nén tâm nhang” để tưởng nhớ hương hồn ông.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Hội Mỹ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh – triển lãm đã động viên hỗ trợ, cảm ơn nhà đấu giá Nghệ thuật “Chọn” đã tài trợ và là địa chỉ đáng tin cậy cho cuộc triển lãm mang nhiều ý nghĩa này. Chúc các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, các Nhà sưu tập, Nhà đầu tư nghệ thuật và công chúng yêu nghệ thuật đến với triển lãm này sức khỏe, hạnh phúc, thành công!

Hà Nội, Tháng 02 năm 2020
Nhà sưu tập Nghệ thuật, Luật sư Trương Văn Thuận

Trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ” và bộ sưu tập tranh chân dung Nghệ sĩ Cải lương của Họa sĩ Trương Văn Ý”

Ngày 22/11/2019, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và nhà sưu tập Trương Văn Thuận tổ chức trưng bày chuyên đề “Từ đờn ca tài tử đến sân khấu cải lương Nam Bộ” và trưng bày bộ sưu tập tranh chân dung nghệ sĩ cải lương của họa sĩ Trương Văn Ý. 

Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.

Ban tổ chức giới thiệu đến công chúng 260 tư liệu, hình ảnh, tranh, hiện vật liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương Nam Bộ. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Vĩnh Long trưng bày bộ sưu tập tranh của nhà sưu tập Trương Văn Thuận với 80 bức chân dung nghệ sĩ cải lương bằng chất liệu sơn dầu do họa sĩ Trương Văn Ý thực hiện. 

Các hình ảnh, hiện vật… giúp công chúng hiểu rõ hơn về nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh, với những tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương được chọn lọc trưng bày giúp công chúng tìm hiểu, khám phá nét hay và cảm nhận sâu sắc về di sản âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Thông qua hoạt động trưng bày chuyên đề nhằm tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ đã có nhiều công lao đóng góp cho lĩnh vực sân khấu cải lương, tạo điều kiện để người dân địa phương, du khách thưởng lãm và nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Họa sĩ Trương Văn Ý tham quan phòng trưng bày.

Trưng bày các tư liệu, hiện vật về đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ sẽ diễn ra từ 22/11/2019 đến ngày 31/3/2020 và trưng bày bộ sưu tập tranh chân dung nghệ sĩ cải lương của họa sĩ Trương Văn Ý sẽ diễn ra từ ngày 22/11/2019 đến ngày 22/12/2019 tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.

Theo Báo Vĩnh Long số ra ngày 22/11/2019

Triển lãm “Em ơi, Hà Nội phố”

Từ ngày 21-28/7/2018 tại Gallery Bình Minh (số 145/38C, Nguyễn Thiện Thuật, Phường 1, Quận 3, TP.HCM), diễn ra triển lãm tranh sơn dầu với chủ đề “Em ơi, Hà Nội phố”, trưng bày và giới thiệu 26 tác phẩm của nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ do nhà sưu tập Trương Văn Thuận tài trợ.

Phan Vũ, tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng, lớn lên ở làng Phước Ninh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Khi 20 tuổi, ông đi bộ đội và miền Nam và làm công tác văn nghệ tại miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Đến năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, rồi làm việc cho xưởng phim truyện Việt Nam tại Hà Nội. Ông viết kịch, làm thơ, đạo diễn điện ảnh. Năm 1972, ông viết trường ca nổi tiếng “Em ơi, Hà Nội phố”, về sau được nhạc sĩ Phú Quang trích đoạn, phổ nhạc và đã trở thành một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ vào lại Sài Gòn làm việc tại Đài truyền hình TP.HCM. Từ năm 1995, ông vẽ tranh sơn dầu và đã triển lãm nhiều lần ở trong và ngoài nước.

Tại cuộc triển lãm, 26 bức tranh với chất liệu sơn dầu, kích thước 80×80 cm, trong đó có 15 tác phẩm mang tên “ Em ơi, Hà Nội phố”. Các tác phẩm còn lại là tranh tự họa, chân dung, phong cảnh và trừu tượng với những gam màu đối chọi nhau như có lần ông bộc bạch với báo chí “một cái gì như một chút bi tráng tự sự với những màu sắc rực rỡ, đối lập, nhưng lại có độ trầm tạo thành nỗi buồn dịu êm.”

Theo Báo Du lịch số ra ngày 24/7/2018

Tuần lễ trưng bày tranh của họa sĩ Lê Văn Xương

Trưng bày một số ít tác phẩm từ Bộ sưu tập tranh và ký họa của họa sĩ Lê Văn Xương lần này, nhà sưu tập Trương Văn Thuận và Chọn Auction hy vọng góp phần vào chuỗi sự kiện đánh dấu sự xuất hiện trở lại các tác phẩm của một nghệ sĩ tài danh, suốt đời say mê sáng tạo và đã để lại hàng ngàn tác phẩm sơn dầu, bột màu, màu nước, lụa…về phong cảnh, con người Việt Nam.

Bộ sưu tập được hình thành bởi cơ duyên qua sự thân quen của Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cùng vợ là Nghệ sĩ ưu tú Ánh Tuyết (chủ nhân của Bình Minh Art Gallery – TP.Hồ Chí Minh) với các con của Hoạ sĩ Lê Văn Xương từ rất lâu (họ đều là các nghệ sĩ, hoạ sĩ,… làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật), và hơn thế nữa là bởi sự yêu thích tranh của họa sĩ Lê Văn Xương. Tuy nhiên, do hạn chế về không gian nên chúng tôi chỉ trưng bày hơn 20 bức tranh, ký họa phong cảnh và ba bức chân dung đặc biệt. Đó là chân dung người cha mà ông luôn kính yêu, chân dung tự họa và chân dung bà Kim Lan (thường gọi là bà Đào) – người vợ thứ ba đã chung sống với ông tại Tp. Hồ Chí Minh cho đến ngày ông mất 14/10/1988.

Lê Văn Xương, Bà Đào (Phu nhân họa sĩ), sơn dầu, 60x48cm, 1981

Họa sĩ Lê Văn Xương (1917-1988) không chỉ vẽ tranh, mà còn là nhà điêu khắc tài hoa. Ông là một trong những nghệ sĩ từng nổi tiếng và đã tổ chức các cuộc triển lãm cá nhân từ rất sớm tại Sài Gòn vào các năm 1941 và 1949 và tại thành phố Dalat năm 1951. Triển lãm cá nhân hiếm hoi thời bấy giờ và gây tiếng vang lớn là triển lãm cá nhân Hà nội 36 phố phường năm 1953 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với 29 bức tranh về những khu phố, phong cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội. Đây cũng là triển lãm cá nhân cuối cùng khi ông còn sống, dù tranh của ông vẫn luôn được nhiều người ưa thích và sưu tầm.

Lê Văn Xương, phố Gầm Cầu, sơn dầu, 40x50cm, 1952

Bẵng đi một thời gian dài, sự xuất hiện trở lại với công chúng yêu nghệ thuật trong những năm gần đây mới bắt đầu từ việc bức tranh Kéo pháo lên đồi (1961) được trưng bày trong triển lãm sưu tập của ông Tira Vanichtheeranon (nhà sưu tập người Thái Lan) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Tiếp theo là ngày 17/12/2016 bức tranh lụa Thiếu nữ (chân dung con gái Y Lan của ông) được bán tại cuộc đấu giá của Lythi Auction ở TP.HCM. Triển lãm “Một tình yêu Hội hoạ” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ 22/6 đến 02/7/2017 của Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cũng chỉ trưng bày 2 bức sơn dầu của hoạ sĩ Lê Văn Xương. Cho tới triển lãm Điều kỳ diệu được con gái ông và cũng là nhà sưu tập tranh, tổ chức ngày 21/9/2018 tại TP. HCM đã trưng bày 101 tác phẩm nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh và 30 năm ngày mất của ông là trưng bày có số lượng tác phẩm xuất hiện nhiều nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, với bốn lần trở lại, vẻn vẹn 105 tác phẩm so với hàng ngàn tranh, tượng, ký họa của nghệ sĩ Lê Văn Xương từng một thời vang bóng, quả là quá ít ỏi. Nên việc tổ chức giới thiệu nhiều hơn nữa các sáng tác của ông để công chúng yêu nghệ thuật biết và hiểu hơn những giá trị của ông đã để lại, đã góp phần tạo nên một diện mạo của mỹ thuật hiện đại Việt Nam và để người ta yêu hơn đất nước, con người Việt Nam qua xúc cảm của người nghệ sĩ chân chính Lê Văn Xương.

Tiến sĩ Mã Thanh Cao

Nguyên Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Triển lãm “Gặp gỡ mùa thu”

“Gặp gỡ mùa thu” là cuộc triển lãm do Art Gallery Bình Minh tổ chức từ ngày 10 đến ngày 19/9/2018 tại Bảo tàng Thành phố (Nhà trưng bày triển lãm Thành phố – số 92 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) nhằm giới thiệu với công chúng một số tác phẩm của 4 gương mặt tiêu biểu trong rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc mà Art Gallery Bình Minh sở hữu các tác phẩm hội họa và điêu khắc. Xuất phát điểm khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung đó là sự đam mê, miệt mài, sáng tạo và thành công trong lao động nghệ thuật.

Xuất thân từ Trường Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Sĩ Thiết đã có nhiều tác phẩm được đăng trên các báo và tạp chí trong nước; tranh của Ông đã nhiều lần được gửi triển lãm khu vực , triển lãm toàn quốc, các triển lãm chuyên đề, các triển lãm ở nhiều nước trên thế giới. Năm nay vừa tròn 75 tuổi, ông ước nguyện có được cuộc triển lãm cá nhân để giới thiệu với công chúng các tác phẩm thể hiện cả quá trình lao động nghệ thuật không mệt mỏi của mình.

Nguyễn Sĩ Thiết, Cảnh dệt thảm, Bột màu, 38.5 x 51 cm, 1979.

Cũng xuất thân từ Trường Mỹ thuật Hà Nội, Họa sĩ Nghiêm Xuân Hưng đã luôn miệt mài, lao động sáng tạo trong nghệ thuật hội họa, điêu khắc với nhiều chất liệu khác nhau để có được các tuyệt tác về phong cảnh và con người đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ.

Nghiêm Xuân Hưng, Hội thả chim, Sơn khắc, 90 x 90 cm, 1994 – 2013.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, Họa sĩ Phạm An Hòa (người chuyên vẽ biếm họa với bút danh Ngoéo cho các báo từ thập niên 70), nay Ông lại trau chuốt, mượt mà qua những bức tranh lột tả vẻ đẹp đoan trang, mỹ miều của người phụ nữ Nam Bộ.

Phạm An Hòa, Họa mi, Sơn dầu, 100 x 130 cm, 2006.

Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định từ năm 1975, Họa sĩ Văn Y chuyên sáng tác tranh sơn mài và sơn dầu với phong cách “Lối xưa” mang đến cho ngườ thưởng ngoạn những hình ảnh có tính gợi tưởng về Sài Gòn thời xa xưa, với những tà áo dài thiếu nữ, những ngôi đình làng, kiến trúc cổ xưa, đường phố, con hẻm, …

Văn Y, Cô gái Sài Gòn, 100 x 100 cm, 2015

Thông qua triển lãm, Art Gallery Bình Minh muốn gửi lời cám ơn đến các họa sĩ, nhà điêu khắc và người yêu hội họa đã đồng hành, ủng hộ Art Gallery Bình Minh trong suốt thời gian qua và mong rằng chúng tôi sẽ tiếp tục được ủng hộ trong thời gian tới.

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận

Triển lãm ‘độc nhất vô nhị’ của Trương Văn Thuận

Nhìn ở khía cạnh chủ đề sưu tập, triển lãm ‘Một tình yêu hội họa’ – giới thiệu một phần bộ sưu tập của Trương Văn Thuận (khai mạc lúc 10g ngày 22/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) là độc nhất vô nhị tại Việt Nam.

Triển lãm trưng bày khoảng 200 tranh, tượng của hơn 80 họa sĩ và nhà điêu khắc. Gần một nửa số đó là chân dung của chính nhà sưu tập và gia đình ông.

Đây cũng là triển lãm đầu tiên của Trương Văn Thuận – nhà sưu tập tranh với gần 30 năm kinh nghiệm. Ông Thuận cho biết lý do làm triển lãm vì đây là năm ông tròn 60 tuổi, đúng “lục thập hoa giáp”, ông sẽ nghỉ hưu để dồn tâm trí, tài lực cho việc sưu tập mỹ thuật.

Trien lam 'doc nhat vo nhi' cua Truong Van Thuan

Chân dung Trương Văn Thuận theo cách nhìn của cố họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm (sơn dầu, 70x50cm, 2008)

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc triển lãm tranh chân dung của, hoặc về một người, một gia đình là điều không hiếm gặp. Thế nhưng mỗi lần bắt gặp đều có những bất ngờ, mới mẻ, vì câu chuyện của những bức tranh chân dung đó phụ thuộc khá lớn vào đặc trưng nhân vật được thể hiện. Triển lãm của Trương Văn Thuận cũng vậy, đó là những tranh chân dung mà các họa sĩ, nhà điêu khắc đã sáng tác về ông (chủ yếu) và vợ con ông trong nhiều hoàn cảnh, tâm thế khác nhau.

Nhìn ở khía cạnh “ăn ảnh”, Trương Văn Thuận hoàn toàn ngược với vợ mình – nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết – ông là một người “ẩn tướng”, thế nên việc dựng chân dung ông là một thách thức không nhỏ. Dù thế giới nội tâm khá phong phú, bên ngoài ông lại là người ứng xử chừng mực, có nguyên tắc, nên về mặt cá tính tạo hình cũng khó khăn. Trong điều kiện như vậy, để có một triển lãm chân dung đầy đặn như Một tình yêu hội họa cái khiến công chúng đặc biệt quan tâm.

Trương Văn Thuận cho biết, ông có hơn 100 tranh tượng và hơn 100 ký họa chân dung của mình. Ông kể rằng các tác phẩm đến sau quá trình ông chơi với các tác giả, họ thích thì vẽ, chứ nếu thuê vẽ đơn thuần thì bây giờ ông đã có rất nhiều, chứ không dừng lại con số khiêm tốn như vừa kể.

Trien lam 'doc nhat vo nhi' cua Truong Van Thuan

Một số ký họa về Trương Văn Thuận

“Bộ tranh chân dung nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ (nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết) đã dần hình thành từ những cuộc trò chuyện, gặp gỡ. Số tranh, ký họa chân dung nhà sưu tập cùng vợ đã hơn 200 bức – con số rất nhỏ so với hàng ngàn tranh, tượng và ký họa ông đang lưu giữ, nhưng nói lên tình cảm của các họa sĩ, nhà điêu khắc đã dành cho cặp vợ chồng yêu hội họa Trương Thuận – Ánh Tuyết.

Theo năm tháng, ngôi nhà của họ càng lúc càng thấm đẫm tình bằng hữu và không khí nghệ thuật. Ông thật may mắn khi có được người bạn đời luôn ủng hộ, cổ vũ chồng thực hiện niềm đam mê như một tình yêu đặc biệt. Bởi chị cũng là người hoạt động trong một loại hình nghệ thuật và cũng mê cái đẹp, luôn thân thiện, hiếu khách” – TS Mã Thanh Cao (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) nói.

Triển lãm Một tình yêu hội họa còn giới thiệu một phần nhỏ bộ sưu tập tranh của Trương Văn Thuận, mà trong lĩnh vực này, ông đã có địa vị riêng. Bộ sưu tập khá xuyên suốt, từ các tác giả thời kỳ đầu, các bậc thầy cho đến các tên tuổi đương thời. Nhiều tác phẩm ông bắt gặp tình cờ, thấy đẹp, dù chưa xác định được tác giả, vẫn mua, rồi từ từ tìm hiểu. Theo ông Thuận, những tác phẩm tại triển lãm này đều đã “hoàn tất hồ sơ”. Những tác phẩm nào chưa rõ ràng, chưa chắc chắn thì không đưa ra công chúng, thậm chí phải hủy bỏ.

“Trong nghề chơi tranh, đã có không ít người vì quá tin tưởng vào sự mẫn cảm của mình mà rước về những tác phẩm tầm thường. Khi ấy không chỉ mất tiền mà nó còn là cách dẫn dắt không mong muốn, đưa họ đến những sai lầm về nhận thức thẩm mỹ. Những sai lầm ấy có khi phải trả giá bằng cả một đời sưu tập.

Rất may, ông Trương Văn Thuận đã tìm gặp và trao đổi với những họa sĩ hàng đầu của mỹ thuật Việt ngay từ những ngày còn bỡ ngỡ. May hơn nữa, những họa sĩ có dịp tiếp xúc với ông đều nhận ra sự chân thành và lòng đam mê của ông. Họ sẵn lòng giúp đỡ ông một cách vô tư. Từ những họa sĩ lão thành như Mai Long, Trần Lưu Hậu, Bùi Quang Ngọc, Văn Thơ… cho đến lớp đàn em kế cận: Nghiêm Xuân Hưng, Hứa Thanh Bình, Phạm Minh Hải, Nguyễn Tấn Cương … Tất cả đều đã trở thành những người bạn của ông trước khi là tác giả mà ông sưu tầm” – họa sĩ Đỗ Phấn chia sẻ. 

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận sinh năm 1957 tại tỉnh Hà Nam. Ông có bằng thạc sĩ luật và là cử nhân kinh tế. Ông chính thức đến với việc sưu tập tranh từ một duyên tình cờ năm 1991. Từ đó, ông âm thầm và kiên trì với việc sưu tập để ngày nay nắm giữ hàng ngàn tác phẩm, phác thảo, ký họa, tư liệu… giá trị của các nghệ sĩ Việt Nam nhiều thời kỳ.

Triển lãm Một tình yêu hội họa kết thúc ngày 2/7/2017.

Theo Báo Phụ nữ

Khi nhà sưu tập ‘triển lãm chính mình’

Khai mạc vào sáng nay 22/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm Một tình yêu hội họa của nhà sưu tập Trương Văn Thuận giới thiệu khoảng 200 tác phẩm hội họa, điêu khắc, trong đó gần một nửa tác phẩm thể hiện chân dung của ông và gia đình. Nhìn riêng ở khía cạnh bày chân dung như một “triển lãm chính mình”, đây là bộ sưu tập độc đáo và hiếm có tại Việt Nam.

Trương Văn Thuận đến với việc sưu tập tranh, tượng nghệ thuật như một cái duyên tình cờ, khi ông giúp đỡ một gia đình họa sĩ và một nhà sưu tập trong cảnh khó khăn cách đây gần ba mươi năm. Có ngờ đâu, sự tận tình với bạn đã làm ông bắt đầu thấy thích ngắm tranh, rồi sự tò mò đó lớn dần thành một tình yêu hội họa lúc nào ông cũng không nhận ra.
Những bức tranh đã thật sự giúp ông thư giãn sau những giờ phút căng thẳng, phức tạp trong công việc của một sĩ quan công an cấp cao. Và nay, khi bắt đầu nghỉ hưu, niềm đam mê nghệ thuật đã chiếm gần trọn thời gian của ông.
Chú thích ảnh
Nhà sưu tập Trương Văn Thuận
Như nhiều người chơi tranh, nhà sưu tập Trương Văn Thuận cũng đã trải qua một thời gian lúng túng khi sưu tầm tranh của các họa sĩ từng học tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ nổi tiếng nhưng đã qua đời. Với một người không phải trong giới mỹ thuật, lại chưa có kinh nghiệm, kiến thức trong việc thẩm định tranh thật – giả không dễ dàng chút nào, đôi khi phải trả giá bằng món tiền không nhỏ cho một bức tranh giả.
Nhà sưu tập Trương Thuận đã tìm ra cách sưu tập “chắc ăn” là mua từ chính tác giả, hoặc tranh có nguồn gốc rõ ràng. Vốn là người luôn cầu tiến, từ những lần gặp gỡ họa sĩ để sưu tầm tranh, ông phát hiện ra một điều rất quan trọng khi trực tiếp trao đổi với tác giả: cơ hội để học hỏi về mỹ thuật.
Gặp họa sĩ, nhà điêu khắc không chỉ để trao đổi, tìm hiểu về tác phẩm của chính họ, mà còn có thêm kiến thức giúp ông nhận định được cái đẹp của một tác phẩm, cũng như độ thật, giả, của tác phẩm đó. Tranh thủ thời gian ông đã đến nhà các họa sĩ, nhà điêu khắc Huỳnh Văn Thuận, Mai Long, Trần Lưu Hậu, Bùi Quang Ngọc, Văn Thơ, Trương Văn Ý, Tạ Quang Bạo, Trần Tuy, Lê Liên, Nguyễn Lâm, Nghiêm Xuân Hưng, Vũ Ba, Hồ Phòng, Hứa Thanh Bình, Phạm Minh Hải, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Phấn, Trịnh Minh Sơn, Hoàng Hồng Cẩm… Và căn nhà của ông đã trở thành nơi thường xuyên tụ họp của các họa sĩ, nhà điêu khắc.
Chú thích ảnh
Chân dung Trương Văn Thuận theo góc nhìn của họa sĩ Nguyễn Tấn Cương (sơn dầu, 75 cm x 95 cm, 2016)
Các nghệ sĩ quý nhà sưu tập Trương Văn Thuận ở sự cầu thị, chân tình như người bạn và trên hết là sự trân quý nghệ sĩ và niềm đam mê các tác phẩm nghệ thuật một cách tự nhiên, không mang tính thương mại. Với ông, các nghệ sĩ là những người giúp ông trên bước đường hoàn thiện bộ sưu tập hội họa.
Bộ tranh chân dung nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ (nghệ sĩ xiếc Ánh Tuyết) đã dần hình thành từ những cuộc trò chuyện, gặp gỡ đó. Số tranh và ký họa chân dung nhà sưu tập cùng vợ đã lên tới hơn 200 bức. Con số này rất nhỏ so với hàng ngàn tranh, tượng và ký họa ông đang lưu giữ  – kết quả từ  tình cảm mà các họa sĩ, nhà điêu khắc đã giành cho cặp vợ chồng yêu hội họa.
Theo năm tháng, ngôi nhà của Thuận càng lúc càng thấm đẫm tình bằng hữu và không khí nghệ thuật. Ông thật may mắn khi có được người bạn đời luôn ủng hộ, cổ vũ chồng thực hiện niềm đam mê như một tình yêu đặc biệt. Bởi chị cũng là người hoạt động trong một loại hình nghệ thuật và cũng mê cái đẹp, luôn thân thiện, hiếu khách.
Ngoài việc học hỏi về kiến thức nghệ thuật, trân quý các nghệ sĩ, nhà sưu tập Trương Văn Thuận còn là người làm việc như một nhân viên bảo tàng. Tự tay ông thực hiện việc quản lý trên máy tính các tác phẩm mình đang lưu giữ, thu thập, bổ sung các thông tin tác giả, tác phẩm. Có lẽ nghề nghiệp đã giúp ông cẩn thận, cân nhắc các thông tin khi đưa vào tác phẩm. Ông cho rằng người chơi tranh thật với tình yêu nghệ thuật sẽ sẵn sàng hủy bất kỳ bức tranh nào là giả.
Chắc chắn, đó là một điều đáng khuyến khích cho những người chơi chuyên nghiệp và sẽ góp phần tạo thị trường lành mạnh cho mỹ thuật Việt Nam.
Bộ sưu tập chân dung từ nhiều tác giả nổi tiếng
Chân dung nhà sưu tập Trương Văn Thuận và vợ được nhiều tác giả nổi tiếng như Mai Long, Trần Lưu Hậu, Bùi Quang Ngọc, Văn Thơ, Lê Liên, Nghiêm Xuân Hưng, Vũ Ba, Hứa Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Phấn, Trịnh Minh Sơn, Hoàng Hồng Cẩm… thể hiện.

Theo Thethaovanhoa.vn

0916554329

X
error: Thông báo: Nội dung có bản quyền từ Bình Minh Art !!